“Hiểu Hiến pháp là một cách để hoàn thiện bản thân”

15:50, 16/11/2015

Không phải đảng viên; không biết sử dụng Internet, nhưng ông Phí Văn Rỹ (75 tuổi, trú tại tổ 14, phường Trung Thành, Thành phố Thái Nguyên) lại là 1 trong 2 người cao tuổi nhất được tặng Giấy khen trong Cuộc thi viết Tìm hiểu về Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do Bộ Tư pháp triển khai tổ chức.

Ông Rỹ làm việc ở một căn phòng nhỏ, tách biệt với ngôi nhà lầu khang trang vợ chồng ông sinh sống cùng các con. Đây là nơi tác phẩm dự thi của ông ra đời. Ông nói: “Chỉ có ngồi ở đây mới đủ yên tĩnh để tập trung nghiên cứu, nghiền ngẫm Hiến pháp”.

 

Ông Phí Văn Rỹ sinh năm 1940, quê gốc ở Thái Thụy (Thái Bình). Trước đây, ông là công nhân tại Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên. Trong thời gian công tác, ông có 3 năm được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, là Bí thư Chi Đoàn Gang Thép, phụ trách dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ công nhân viên trong Công ty. Trong 3 người con trai của ông, có 2 người là đảng viên, 1 người đang học cảm tình Đảng. 4 năm trở lại đây, ông Rỹ tự mày mò học đông y. Hiện tại, ông đang là thành viên của Hội Đông y phường Trung Thành.

 

Ông Rỹ biết đến Cuộc thi là nhờ thói quen nghe đài thường xuyên. Đã mấy chục năm nay, chiếc ra-đi-ô là người bạn thân thiết của ông. Chương trình nào, phát sóng vào giờ nào, ông nhớ làu làu. Khi thông tin về Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp phát trên đài, ông liền chép lại để nghiên cứu, tham gia. Không biết sử dụng internet, ông Rỹ lọ mọ đi tìm tài liệu, tất cả những gì ông có được chỉ là quyển Hiến pháp năm 1993 và lời gợi ý “lên mạng tìm hiểu thêm” của cô cán bộ phường. “Lúc ấy tôi mới biết đến sự kỳ diệu của internet. Tôi nhờ cháu tìm các tài liệu liên quan, in ra cho tôi một bản.” - Ông Rỹ chia sẻ.

 

Hơn một tháng đọc Hiến pháp cũ, Hiến pháp mới, rồi nghĩ ngợi, viết lách, ông viết rồi lại sửa cho đến khi cuốn vở ô li gần trăm trang dày đặc chữ. Ông bảo: Câu hỏi mở như câu số 5 (Trong những điểm mới của Hiến pháp 2013, bạn tâm đắc nhất điều gì?) và câu số 9 (Theo bạn, Nhà nước và mỗi người dân có trách nhiệm làm gì và làm như thế nào để thi hành và bảo vệ Hiến pháp?) là khó nhất, vì không có đáp án chính xác mà người viết phải tư duy, chuyển tải đến người đọc sao cho logic, dễ hiểu mà vẫn chính xác.

 

-    Câu nào khó, không có tài liệu, tôi lại mang hỏi những người có kiến thức, như bác Tổ trưởng dân phố, hay những người hiểu về công tác tư pháp.

 

Hai đêm liền thức trắng, bài thi của ông hoàn tất với 19 trang. Ông Rỹ đạp xe 10 cây số lên Phòng Tư pháp thành phố để nộp. Về nhà, đêm vắt tay lên trán nghĩ ngợi, ông nghĩ lại từng câu từng ý của bài thi và chợt nhớ ra bài thi của mình thiếu 1 từ “kiều bào”. Theo ông, đây là từ rất quan trọng vì Hiến pháp có giá trị đối với mọi người dân Việt Nam, kể cả ở trong nước hay định cư ở nước ngoài. Sáng sớm, ông lại đạp xe “lên thành phố” rút bài thi cũ, nộp bài thi mới.

 

“Con cái chúng nó gàn tôi rằng, Cuộc thi này sẽ có nhiều người trong ngành, nắm rõ Hiến pháp tham gia, làm sao bố cạnh tranh được. Nhưng tôi vẫn muốn được thử sức mình, không phải vì giải thưởng.” Ông Rỹ nói. Ông chỉ mong muốn có được 2 điều từ Cuộc thi, đó là kiến thức và tuyên truyền. Theo ông, tự trang bị cho mình kiến thức về Hiến pháp, pháp luật là một cách để hoàn thiện bản thân, tự tin hơn khi ra xã hội, cũng là làm gương cho con cháu.

 

Ông nói vui: “Khi tôi ngồi làm bài dự thi, cháu tôi tò mò đến gần xem. Cháu hỏi, ông ơi ông đang làm gì mà chăm chú thế? tôi giảng giải cho cháu, giúp cháu tiếp cận những kiến thức tưởng chừng xa vời và khô khan này một cách chủ động nhất.”

 

Nghe ông nói vậy, tôi mới hiểu, hóa ra việc ông nhờ cháu ông tìm và in tài liệu để ông nghiên cứu cũng có dụng ý cả.

 

-    Đó là cách ông giáo dục con cháu trong nhà, vậy đối với người ngoài, ông tuyên truyền Hiến pháp thế nào? - Tôi hỏi.

 

-    Với người ngoài, tôi thường lân la đi hỏi những câu có trong bài thi. Dù biết cách trả lời rồi, tôi vẫn cứ hỏi để họ ít nhiều tư suy, để tâm và nêu ý kiến cho vấn đề. Từ đó, chúng tôi ngồi nói chuyện, bàn luận với nhau một cách vui vẻ.

 

Ngày nhận tin được lên tỉnh nhận Giấy khen, ông mừng lắm. Ông khoe với con cái, hàng xóm, để mọi người thấy rằng, việc tìm hiểu Hiến pháp không thừa mà rất có giá trị. Dù giải thưởng ông nhận được không lớn, nhưng nó lại là lời động viên, động lực giúp cho ông Phí Văn Rỹ tiếp tục nuôi đam mê học hỏi của mình.

 

Khi tôi đến, cũng là lúc ông đang tham khảo tài liệu để tham dự Cuộc thi “Việt Nam - Cuba: Đoàn kết cùng phát triển” do Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Sắp tới, ông còn tham gia Cuộc thi viết về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên Báo Thái Nguyên - ông nói với tôi như thế.

 

Cuộc thi viết Tìm hiểu về Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã kết thúc với tổng số hơn 125 nghìn bài dự thi. Trong đó, đối với cá nhân có 1 giải Nhất, 5 giải Nhì, 10 giải Ba và 20 giải Khuyến khích. Ông Rỹ không được giải cao nhưng lại là người được chú ý nhất trong buổi trao giải. Nhiều người gật gù tâm đắc khi nghe ông phát biểu, kể về quá trình hoàn thành bài thi của mình.

 

Ông Vũ Duy Hiển, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi nhận xét: “Nhiều bài dự thi có sự đầu tư công phu, nội dung phản ánh khá đầy đủ, súc tích, hình ảnh tư liệu minh họa sắc nét, phong phú, thể hiện sinh động ý nghĩa quan trọng của bản Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt, nhiều bài thể hiện sự tâm huyết sâu sắc của người tham gia dự thi với trách nhiệm làm bài rất cao.”