Ngăn ngừa, ứng phó bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam

14:06, 25/11/2015

Nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, hưởng ứng Chiến dịch truyền thông với chủ đề “Chấm dứt bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 25/11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn chính sách “Thực trạng và giải pháp ngăn ngừa, ứng phó bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Diễn đàn nhằm trao đổi, chia sẻ về những thông tin, kết quả, bài học hay liên quan đến phòng ngừa và ứng phó bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở cả góc độ trong nước và quốc tế, từ đó làm căn cứ đề xuất các khuyến nghị, giải pháp phù hợp và hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

 

Các đại biểu dự Diễn đàn nhận định: tình trạng bạo lực, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, hiện vẫn còn khá phổ biến, diễn ra trong mọi xã hội. Theo các nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam, 35% phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu từng trải nghiệm một hình thức bạo lực về thể chất và tình dục trong cuộc đời. 30 triệu trẻ em gái dưới 15 tuổi vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hủ tục cắt bỏ cơ quan sinh dục và hơn 130 triệu trẻ em gái và phụ nữ đã từng trải qua hủ tục này trên toàn thế giới. Hơn 700 triệu phụ nữ còn sống đã kết hôn khi còn nhỏ, 250 triệu người trong số đó đã kết hôn trước tuổi 15… Có thể thấy, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục tồn tại như một trong các vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất, có hệ thống và phổ biến trên thế giới. Đó là mối đe dọa cho tất cả phụ nữ và là một trở ngại cho những nỗ lực để thúc đẩy phát triển, gìn giữ hòa bình và bình đẳng trong mọi xã hội

 

Trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn chú trọng thực thi các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Việc bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và thực thi bình đẳng giới đã được khẳng định trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam . Khoảng cách về giới trong tiếp cận giáo dục hầu như không còn trong tất cả các bậc học. Phụ nữ Việt Nam hiện chiếm 48,4% lực lượng lao động, 24% số đại biểu Quốc hội và 25% số chủ doanh nghiệp. Theo khảo sát đầu năm 2015 của Tập đoàn Tài chính Quốc tế Master Card, Việt Nam đạt 66/100 điểm về chỉ số tiến bộ phụ nữ và xếp thứ 5/16 quốc gia được khảo sát tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương - đây là chỉ số đánh giá vị trí kinh tế - xã hội của phụ nữ với ba tiêu chí là việc làm, trình độ học vấn và khả năng lãnh đạo. Để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những khó khăn, thách thức trong công tác bình đẳng giới nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng.

 

Tuy nhiên, so với các dạng bạo lực khác, việc đánh giá thực trạng và xử lý bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái đang gặp nhiều khó khăn hơn. P hụ nữ gặp khó khăn hơn khi tiết lộ những trải nghiệm bạo lực tình dục so với những trải nghiệm bạo lực thể xác. Tương tự, việc nói về bạo lực tình dục trong hôn nhân được xem như một chủ đề không phù hợp.

 

Để góp phần n găn ngừa, ứng phó bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái, các đại biểu đề nghị cần thiết lập các dịch vụ hỗ trợ chất lượng bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, an toàn, trợ giúp pháp lý và bảo đảm các dịch vụ này có thể tiếp cận được với các nạn nhân của bạo lực tình dục; thay đổi suy nghĩ và thái độ của người dân về bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực tình dục, trong đó có quấy rối tình dục. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần xây dựng số liệu thống kê quốc gia về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái trong tất cả các môi trường; tiếp tục sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành cũng như quá trình thực thi hệ thống pháp luật đó đối với các vi phạm về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em…/.