Nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng

08:45, 23/11/2015

Theo thống kế của Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, Thái Nguyên hiện có 25.000 người khuyết tật (NKT) và 480 trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Trong những năm qua, được sự chung tay giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm cùng với nỗ lực của bản thân, nhiều NKT và trẻ em mồ côi đã cố gắng vươn lên, hoà nhập cộng đồng...

Ở xóm Tân Mỹ 1, xã Tân Quang (T.P Sông Công), nhiều người biết đến nghị lực phi thường của thương binh Nguyễn Trọng Hợp. Là thương binh với tỉ lệ thương tật là 55% nhưng ông Hợp vẫn chăm sóc 3 con bị nhiễm chất độc da cam và phát triển kinh tế gia đình. Tiếp đón chúng tôi trong ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông Hợp bộc bạch: Tôi đã từng chiến đấu ở những khốc liệt, chịu nhiều vết thương những không có nỗi đau nào lớn bằng việc nhìn thấy các con của mình cứ yếu dần rồi chịu những đau đớn do di chứng của chất độc da cam. Lúc đó suy nghĩ của tôi chỉ là làm sao kiếm được thật nhiều tiền để chữa bệnh cho con. Đó chính là động lực để tôi vươn lên. Với quyết tâm cao, ông Hợp đã tích cực lao động, sản xuất, học hỏi về khoa học kỹ thuật để áp dụng tại gia đình mình. Hiện nay, gia đình ông đang sở hữu gần 2ha đất trồng chè, bưởi diễn, cây lấy gỗ và chăn nuôi lợn, gà… cho thu nhập bình quân gần 100 triệu mỗi năm.

 

Ở trong hoàn cảnh khác, em Lê Văn Nam, học sinh lớp 12A8, Trường THPT Đồng Hỷ (Đồng Hỷ) cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống khi mồ côi cả cha lẫn mẹ. Với tình thương của người bác, của họ tộc và sự giúp đỡ của Nhà trường, các ban, ngành địa phương và nghị lực của bản thân, trong 3 năm học qua (2012-2013;2013-2014;2014-2015) Nam luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Ngoài ra, em còn tham gia và đạt thành tích khá cao trong các cuộc thi: tiếng Anh qua mạng; giải Toán trên máy tính cầm ray cấp huyện; giải Toán qua mạng cấp tỉnh…

 

Ông Hợp, em Nam chỉ là 2 trong số rất nhiều tấm gương NKT, trẻ mồ côi nỗ lực vượt qua hoàn cảnh để vươn lên trong cuộc sống. Nghị lực của họ đã trở thành tấm gương sáng để nhiều người học tập và noi theo. Bên cạnh những nỗ lực của bản thân, trong những năm qua, NKT và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh cũng đã nhận được sự giúp đỡ từ cấp ủy, chính quyền các cấp cùng nhiều nhà bảo trợ, người hảo tâm cả vật chất và tinh thần. Tính đến nay, 100% NKT trên địa bàn tỉnh đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng; 98% trẻ khuyết tật được đi học mẫu giáo, 85% được đi học tiểu học; toàn tỉnh đã dạy nghề miễn phí và giới thiệu việc làm cho gần 1.000 NKT học các nghề: thêu, may, đan lát…; các hoạt động trợ giúp pháp lý, sinh hoạt văn hóa - thể thao, bảo trợ xã hội… cho NKT và trẻ mồ côi đã được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện. Từ năm 2014 đến nay, Hội Bảo trợ Người Tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh đã tiếp nhận và trao 425 xe lăn cho NKT; hỗ trợ 18 máy sao, máy vò chè cho 9 hộ gia đình có NKT ở xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) trong Dự án hỗ trợ sinh kế cho NKT. Cùng với đó, hàng nghìn chiếc xe đạp, suất học bổng, sách vở, giấy bút… đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị trao đến tận tay học sinh khuyết tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn; hàng trăm người được mổ mắt thay thủy tinh thể, mổ chỉnh hình, điều trị phục hồi chức năng… miễn phí; hàng chục ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng giúp NKT, trẻ mồ côi có mái ấm kiên cố, khang trang…

 

Ông Lê Đình Cường, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh cho biết: Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều nhà bảo trợ và các tổ chức, cá nhân trong  và ngoài tỉnh đã cùng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với cộng đồng xã hội để giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập, làm việc, ổn định cuộc sống. Nhiều người trong số họ đã có thời gian dài đồng hành cùng Hội thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tiêu biểu như: Công ty THHH An Lộc Sơn, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên, Tập đoàn Đức Hạnh BMG; bà Nguyễn Thị Tỵ ở phố Thái Long, thị trấn Đình Cả (Định Hóa); ông Nguyễn Bá Viên ở xóm Núi 4, xã Dương Thành (Phú Bình)…

 

Có thể nói, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng sự giúp đỡ của cộng đồng đã góp phần giảm bớt khó khăn cho NKT và trẻ mồ côi; động viên họ vươn lên hòa nhập cộng đồng. Nhiều người trong số đó đã có ý chí vươn lên vượt qua thương tật lao động sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng. Bởi thế, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tạo điều kiện để NKT và trẻ mồ côi có điều kiện học tập, lao động sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập.