Ông Đường buôn trứng và “ngân hàng” không thu lãi

11:00, 17/11/2015

Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Đường, ở tổ dân phố số 3, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) đã vươn lên trở thành chủ cơ sở ấp nở gia cầm lớn nhất huyện. Không những thế, ông còn bỏ ra hàng trăm triệu đồng xây dựng sân cầu lông, đường bê tông, phục vụ văn hóa, thể thao của tổ dân phố, góp phần làm cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư thêm sôi nổi, tích cực hơn.

Ngôi nhà 3 tầng của ông Nguyễn Văn Đường bề thế, sang trọng nổi bật trên dải đê sông Đào. Mọi nội thất trong nhà, từ bàn ghế, tủ, tranh ảnh đều được bày bố một cách hài hòa cho thấy ông chủ là người có con mắt nghệ thuật và khá “chịu chơi”. Dọc hai bên cổng vào là dãy lò ấp trứng, lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Ít ai biết được rằng, để có được cơ ngơi này là cả một quá trình vất vả và tầm nhìn chiến lược của hai vợ chồng ông.

 

Năm 1991, sau khi rời quân ngũ, ông Đường về xây dựng kinh tế gia đình với đôi bàn tay trắng và làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Nhận thấy việc đi buôn trứng cho cơ sở ấp nở gia cầm mang lại lợi nhuận cao mà ít người làm, vợ chồng ông quyết “xắn tay” làm dân buôn. Với chiếc xe đạp cọc cạch, đôi sọt chằng hai bên, ông đi đến từng nhà trong xã để thu gom trứng đổ về các lò ấp kiếm lời. Ông kể, nếu chỉ cho vịt ăn thóc thì lãi ít, nên bắt thêm cua, nhái về bổ sung thức ăn. Vậy là ngày đi buôn, buổi tối hai vợ chồng lại mỗi người một đèn treo đỉnh đầu lội ruộng bắt cua, nhái về làm thức ăn cho vịt.

 

Năm 1999, ông tích cóp, vay mượn anh em được 12 triệu đồng mua chiếc xe máy. Có xe, cộng với làm ăn uy tín, thật thà, ông được nhiều mối lái tin tưởng giới thiệu nên nhanh chóng mở rộng địa bàn toàn huyện. Mỗi chuyến ông lãi được gần 400 nghìn đồng, 1 tháng ông đi 6 - 8 chuyến, ông đã thu về được hàng triệu đồng. Sau vụ buôn thắng lợi này, ông mày mò xuống Tân Yên (Bắc Giang) để học nghề ấp trứng, rồi về vay mượn được 50 triệu đồng xây lò ấp, ban đầu 1 - 2 lò rồi phát triển lên 17 lò. Song đây đều là lò thủ công nên tốn kém mà chất lượng trứng ấp không đảm bảo. Năm 2008, ông chuyển toàn bộ số lò này sang lò tự động 2 khoang với kinh phí 20 triệu/lò. Máy ấp trứng tự động giúp giảm số lần mở cửa máy ấp để đảo trứng, giữ nhiệt độ và độ ẩm ổn định, trứng phát triển tốt hơn. Có số vốn nhất định, ông mua thêm xe máy, ô tô mở rộng thị trường ra huyện Phổ Yên, Đại Từ…

 

Năm 2012, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, ông thua lỗ mất gần 3 tỷ đồng. Không nản lòng, nhờ nghiên cứu diễn biến thị trường cộng thêm bình tĩnh, tích lũy nên vợ chồng ông vẫn nhanh chóng tháo gỡ vượt qua khó khăn. Đến nay, với 22 lò ấp nở gia cầm, cơ sở của ông không chỉ cung cấp gà giống trong huyện, tỉnh mà còn cho nhiều tỉnh thành lân cận. Cứ 1 tháng khoảng trên dưới 20 vạn, với giá bán 5.000 đồng/con, cộng thêm bán trứng loại, trừ chi phí, doanh mỗi năm ông đạt trên 1 tỷ đồng.

 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Đường còn có những đóng góp  tích cực cho địa phương. Năm 2014, ông thuê mảnh đất gần nhà để xây dựng sân cầu lông. Sân có diện tích hơn 200m2, lắp đặt mái tôn, hệ thống quạt, bóng điện che chắn bằng lưới sắt cẩn thận với tổng trị giá 230 triệu đồng. Ông thành lập và duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ cầu lông Gà Con, thu hút nhiều người tham gia.

 

Người dân ở đây, đặc biệt là lớp trung niên, các ông bà già đã quen với việc dậy sớm đến nhà ông Đường để tập thể dục. Từ khi có “nhà đa năng”, đây trở thành tâm điểm văn hóa, thể thao trong tổ. Qua những buổi tập, mọi người còn có dịp chia sẻ, giúp đỡ nhau, thắt chặt tinh thần đoàn kết. Ông Nguyễn Viết Đường, Tổ trưởng tổ dân phố số 3 cho biết: “Trước đây, không có sân tập nên tôi cũng lười vận động, từ khi có nhà đa năng này, có nhiều “bạn già”, sáng nào tôi và người dân trong tổ cũng ra đây tập luyện, nhiều khi hăng say không muốn về”. Vợ chồng ông Đường còn tự nguyện ủng hộ kinh phí vào các hoạt động của tổ. Như 2 tuyến đường bê tông (trong đó 1 đường vào ngõ nhà mình, gồm 7 hộ dân) với kinh phí trên 40 triệu đồng. Mỗi năm, ông đều ủng hộ từ 1 - 2 triệu đồng vào quỹ của CLB Cựu quân nhân. Nhờ có ông ấy, nên mọi hoạt động văn hóa văn nghệ của tổ dân phố cũng duy trì đều đặn, sôi nổi hơn”.

 

Hơn 10 năm nay, ông còn được ví như “ngân hàng” không thu lãi khi đầu tư, hỗ trợ bằng tiền, bằng gà cho người dân trong vùng với số vốn gần 1 tỷ đồng. Để có nguồn trứng ổn định, đảm bảo, ông mạnh dạn đầu tư giúp đỡ 25 hộ về kinh phí để xây dựng chuống trại, hướng dẫn kỹ thuật nhập trứng cho các hộ chăn nuôi gà mái đẻ. Hỗ trợ con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi cho 50 hộ chăn gà thương phẩm. Nhờ vậy, ông đã giúp 13 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 15 lao động, trong đó có 8 lao động thường xuyên với bình quân thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng.

 

Ông Dương Văn Cường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Bình cho biết: Với cơ sở ấp nở gia cầm lớn của huyện, cơ sở của ông Đường đóng góp rất lớn vào sự phát triển thương hiệu gà đồi Phú Bình, được nhận Giấy khen của Hội Nông dân cấp huyện, tỉnh. Hiện, hồ sơ của ông đang được các cấp hội đề nghị xét tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ.