Bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng

13:00, 18/12/2015

Thành lập Ban điều hành Bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, huyện, xã, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên và thành lập nhóm trẻ nòng cốt… đó là những cách làm của tỉnh ta trong thời gian qua nhằm huy động sức mạnh của cộng đồng để bảo vệ trẻ em.  

Chúng tôi đến xóm Túc Duyên, xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa để tìm hiểu về “Dự án hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ - TBXH) phối hợp với tổ chức phi chính phủ Plan triển khai từ năm 2012. Đúng 8 giờ, buổi sinh hoạt được bắt đầu khi 25 thành viên của nhóm trẻ nòng cốt tập trung đầy đủ tại nhà cô Ngô Thị Huyền, cộng tác viên Dân số Gia đình, Bảo vệ và chăm sóc trẻ. Tại buổi sinh hoạt, nhóm trẻ nòng cốt được tìm hiểu về quyền lợi của mình, phổ biến Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và biết cách phòng, chống bạo lực gia đình, phòng tránh tai nạn thương tích. Để tạo không khí sôi nổi và sự tham gia tích cực của nhóm trẻ, các các cộng tác viên đã chuyển tải kiến thức thông qua những câu chuyện, tiểu phẩm, trò chơi… Em Hoàng Thị Thu Phương, thành viên nhóm trẻ nòng cốt cho biết: Ngoài các buổi sinh hoạt, chúng em còn được thi tìm hiểu kiến thức bảo vệ trẻ em, tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân và tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao tại nhà văn hóa của xóm…”

 

Nhằm huy động vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em, các cộng tác viên dân số của xóm Túc Duyên đã “đi từng ngõ, gõ từng cửa, rà soát từng nhà” tuyên truyền tới các bậc làm cha, làm mẹ hiểu được quyền lợi của trẻ, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc giáo dục con cái. Cách đây 3 năm, mỗi khi cậu con trai út bị điểm kém là chị Đỗ Thúy Hạnh lại tức giận, mắng và phạt con trai. Thế nhưng sau khi được các cán bộ chuyên trách, cộng tác viên tuyên truyền về Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em thì chị Hạnh đã thay đổi nhận thức và cách giáo dục con mình. Không chỉ riêng chị Hạnh mà nhiều phụ huynh trong xóm cũng đã dần loại bỏ được quan niệm “dùng roi vọt để dạy con nên người”. Nhiều bậc phụ huynh còn chia sẻ với chúng tôi rằng, dù khó khăn đến mấy cũng quyết không để các cháu phải nghỉ học và lao động nặng nhọc để không bị rơi vào các tình huống xâm hại.

 

Cũng là địa bàn được triển khai Dự án hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, bởi xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ có nhiều trẻ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để triển khai Dự án có hiệu quả xã thường xuyên điều tra, rà soát, thu thập thông tin nên Ban dự án bảo vệ trẻ của xã đã kịp thời phát hiện, can thiệp giúp đỡ nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn được phát triển toàn diện, vươn lên trong cuộc sống và học tập. Trường hợp của cháu Nguyễn Anh Thư, sinh năm 2014, ở xóm Phú Thịnh 2 là một điển hình. Khi phát hiện cháu Anh Thư bị bệnh tim bẩm sinh nhưng gia đình không đủ tiền để phẫu thuật và điều kiện chăm sóc, Ban dự án bảo vệ trẻ của xã nhanh chóng giới thiệu và hướng dẫn gia đình cháu làm thủ tục phẫu thuật miễn phí theo chính sách phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ. Ngày hôm nay, nụ cười hạnh phúc đã hiện diện trên khuôn mặt của chị Lê Thị Hợp khi nhìn thấy con gái Anh Thư khỏe mạnh, có thể đi học, vui chơi như bao em nhỏ khác. Ngoài trường hợp của cháu Anh Thư, thời gian qua Ban dự án của xã cũng đã trao tặng quà và học bổng cho hàng chục trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em được tiếp cận với dịch vụ phẫu thuật mắt, hệ vận động, hở hàm ếch, được hỗ trợ xe đạp, quần áo và đồ dùng học tập…

 

Nói về dự án, ông Dương Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở LĐ - TBXH cho biết: Từ năm 2012, chúng tôi đã phối hợp với tổ chức Plan triển khai Dự án “Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng” tại 10 xã của 2 huyện Định Hóa, Đại Từ. Đến nay, Sở LĐ - TBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh nhân rộng thêm 10 xã của huyện Phú Lương, Phú Bình và T.P Sông Công. Sau 4 năm triển khai dự án, chúng tôi đã thiết lập được cơ sở dữ liệu về trẻ em trên địa bàn 20 xã, kịp thời phát hiện, hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh khó khăn, lao động nặng nhọc tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ trẻ thân thiện, góp phần kiềm chế nguy cơ trẻ rơi vào hoàn cảnh bị xâm hại. Ngoài ra, nhận thức của gia đình và cộng đồng vùng dự án về việc bảo vệ trẻ em ngày một nâng lên.

 

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.200 trẻ hoàn cảnh đặc biệt và 3.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Với hiệu ứng tích cực trong việc tạo cho trẻ môi trường sống an toàn, lành mạnh, giảm thiểu nguy cơ gây tổn hại cho trẻ, có thể khẳng định việc nhân rộng dự án sẽ góp phần hạn chế tình trạng trẻ bị ngược đãi, xâm hại, bạo hành và tạo cơ hội cho nhiều trẻ được phát triển bình đẳng trong cộng đồng.