Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

16:00, 19/12/2015

Thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013-2015, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức triển khai Dự án trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng tại 3 địa phương là Hồng Tiến, Đắc Sơn và thị trấn Bãi Bông (T.X Phổ Yên).

Qua đó, đã huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú.

 

Chị Đỗ Ngọc Quyên, cán bộ văn hóa - xã hội xã Hồng Tiến cho biết: Là 1 trong 3 xã, thị trấn được lựa chọn  điểm để thực hiện Mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, xã Hồng Tiến đã thành lập Ban điều hành và đội ngũ cộng tác viên ở 15 xóm; đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Từ năm 2013 đến nay, toàn xã có trên 100 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ về pháp lý, cung cấp sữa, sách vở, đồ dùng học tập, trang phục... Ngoài ra, vào các dịp như Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 và Tết Trung thu hàng năm, các em còn được chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể và các doanh nghiệp tặng quà, thăm hỏi, góp phần giúp các em khắc phục khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống.

 

Cháu Nguyễn Thị Yến Hòa, sinh năm 2009, ở xóm Đông Sinh, xã Hồng Tiến bộc bạch: Bố mẹ cháu đi làm nên cháu ở nhà với ông bà ngoại. Được tặng sữa, đồng phục đầu năm học cháu rất vui. Ông Đặng Văn Trường, ông ngoại của cháu Yến chia sẻ: Hằng ngày, tôi đưa đón cháu đến trường, bà ngoại cháu thì nấu nướng, tắm giặt, cho cháu ăn. Mặc dù biết cháu bị nhiễm HIV nhưng các cô giáo vẫn đối xử hòa đồng và quan tâm đến cháu. Cháu không bị bạn bè kỳ thị, xa lánh, vẫn đến trường học tập như bao đứa trẻ bình thường khác nên gia đình chúng tôi cũng yên tâm.

 

Cùng với Hồng Tiến, Đắc Sơn và thị trấn Bãi Bông cũng là 2 địa phương thực hiện khá tốt Mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng. Từ năm 2013 đến nay, ở cả 3 địa phương nói trên đã có hơn 230 lượt trẻ bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... được hỗ trợ sữa, sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục... với tổng số tiền trên 125 triệu đồng. Để hoạt động trợ giúp trẻ hiệu quả, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tổ chức 21 lớp tập huấn về phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống HIV/AIDS và kỹ năng chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tập huấn về tâm lý trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cho trên 1.600 lượt đối tượng là cha mẹ, người chăm sóc trẻ và các cộng tác viên. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tạo môi trường thuận lợi để các em sớm hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển toàn diện.

 

Trao đổi với chúng tôi, chị Dương Kim Liên, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng được xã hội hóa. Ý thức trách nhiệm về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ cũng đã từng bước được nâng cao đối với các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân. Những kết quả đó đã khẳng định hiệu quả trong việc triển khai Mô hình và là cơ sở cho việc xây dựng các hoạt động trong thời gian tiếp theo.