Từ gần hai mươi năm nay, nhân dân các xóm, xã của huyện Phú Lương luôn tích cực tham gia đóng góp tiền của, công sức cùng nhau xây dựng các công trình văn hóa, thể thao ở cơ sở. Nổi bật là trong 5 năm gần đây, phong trào xây dựng nhà văn hóa trên địa bàn đạt kết quả khả quan, xuất phát từ nguyện vọng chung của mọi người, mọi nhà.
Từ mái hiên của Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Phú Lương, chúng tôi nhìn ra khoảng sân đông kín người đang vào ra. Anh Bùi Quang Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Đây là “ngôi nhà chung” của cán bộ, nhân dân trong huyện. Công trình được xây dựng hoàn thiện từ năm 2011, với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng. Hầu hết các hoạt động lớn của huyện đều được tổ chức tại đây… Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Trong 5 năm gần đây, huyện Phú Lương đã nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng cơ sở vật chất văn hóa trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có 11/16 xã có nhà văn hóa, đạt 68,7% (3 xã, thị trấn hiện chưa có nhà văn hóa là Vô Tranh, Yên Ninh và thị trấn Đu). Đến tháng 11-2015, toàn huyện có 268/274 xóm, thị trấn có nhà văn hóa, đạt 97,8%. 12 xã đạt 100% số xóm có nhà văn hóa làm nơi hội họp cho nhân dân; 124 xóm, thị trấn có nhà văn hóa, với diện tích từ 80m2 trở lên, đạt chuẩn tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bằng 46,2%; 139 nhà văn hóa xóm có diện tích dưới 80m2, bằng 51,9%; chỉ có xóm có nhà văn hóa là nhà tạm, bằng 1,9%.
Trao đổi về phong trào xây dựng nhà văn hóa, anh Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch UBND xã Ôn Lương cho biết: Từ năm 2012, xã đã quy hoạch được khu đất xây dựng Nhà văn hóa xã, với tổng diện tích đất quy hoạch trên 10.000m2. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các hộ có đất liên quan đã tự nguyện hiến đất cho xã xây dựng nhà văn hóa, sân chơi thể thao, điển hình như gia đình bà Phan Thị Thạch, gia đình ông Phan Đình Thiệu hiến hơn 1.000m2 đất/hộ mà không đòi hỏi tiền đền bù. Từ tháng 6-2015, công trình Nhà văn hóa xã rộng 400m2 được xây dựng hoàn thiện, với tổng kinh phí xây dựng hơn 2 tỷ đồng. Trong năm 2015, ngoài công trình Nhà văn hóa xã, xã Ôn Lương xây dựng mới công trình nhà văn hóa xóm Trung Tâm và sửa chữa, nâng cấp 9 nhà văn hóa xóm.
Như vậy, Ôn Lương - một trong những địa phương khó khăn của huyện - đã có 10/10 xóm nhân dân đóng góp cùng Nhà nước xây dựng được nhà văn hóa, 100% nhà văn hóa đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới. Đối với xã Yên Trạch có 12/12 xóm đã có nhà văn hóa; xã Phú Đô có 25/25 xóm có nhà văn hóa… Tuy nhiên, các xã này còn nhiều xóm có nhà văn hóa chưa đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới, cần sửa chữa nâng cấp hoặc phải xây dựng lại.
Đến thị trấn Đu, vào thăm Nhà văn hóa tiểu khu Lê Hồng Phong, bà Vũ Thị Hương Mai, Trưởng ban Công tác Mặt trận của tiểu khu cho biết: Ngày 23-5-2015, nhân dân tiểu khu tưng bừng tổ chức khánh thành Nhà văn hóa. Ngôi nhà rộng 126m2, kinh phí xây dựng hơn 400 triệu đồng, 100% do nhân dân đóng góp. Cụ Phạm Văn Tú, 96 tuổi phấn khởi nói: Khi Ban Công tác Mặt trận xóm phổ biến kế hoạch xây dựng Nhà văn hóa, bà con đều tích cực ủng hộ, gia đình tôi cũng tham gia ủng hộ đất và tiền để bên thi công xây dựng đúng tiến độ… Nhà làm xong, các hộ có điều kiện tham gia ủng hộ thêm quạt trần, bục nói chuyện, tượng Bác Hồ, bàn ghế, điển hình như gia đình ông Đặng Anh Dũng đã ủng hộ toàn bộ phần sơn tường, trị giá hơn 7 triệu đồng.
Theo thời gian, trên quê hương Phú Lương ngày càng có thêm nhiều nhà văn hóa đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới. Đó là một địa chỉ văn hóa cho mọi người dân địa phương đến sinh hoạt, vui chơi, giải trí và trao đổi tâm tư, nguyện vọng, qua đó, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, các phong trào do Nhà nước phát động được triển khai sâu, rộng đến người dân. Trong ngôi nhà văn hóa xóm Quang Trung 2 (xã Sơn Cẩm), ông Nguyễn Quốc Y, 85 tuổi, Chi hội trưởng Người cao tuổi của xóm tự hào: Từ tháng 5 năm nay, công trình Nhà văn hóa của xóm được xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng, nhân dân trong xóm không phải đi mượn địa điểm sinh hoạt như những năm trước.