Nhờ sự tích cực đội ngũ cán bộ dân số, công tác dân số trên địa bàn xã Ôn Lương (Phú Lương) đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Trong 5 năm trở lại đây, tỷ suất sinh thô ở xã luôn được duy trì ở mức thấp, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt cao, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng dân số ở địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch UBND xã Ôn Lương cho biết: Xã hiện có trên 3.500 nhân khẩu, với khoảng 90% là đồng bào dân tộc Tày, Sán Chí.. Trong đó có 660 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Trước đây, cuộc sống của người dân trong xã còn gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí thấp, tồn tại nhiều phong tục lạc hậu, tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 còn diễn ra khá phổ biến… Trước thực trạng đó, từ cuối những năm 1990, hàng năm,Đảng uỷ, HĐND xã đều ra nghị quyết về các chỉ tiêu, nội dung liên quân đến công tác dân số.
Xác định thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình (DS – KHHGĐ) là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội, cấp uỷ, chính quyền các cấp của xã đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đưa chính sách DS - KHHGĐ của Đảng và Nhà nước tới từng người dân. Hàng năm, xã đều tổ chức khen thường những khu dân cư có tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm hoặc không có người sinh con thứ 3, biểu dương những tập thể, gia đình, cá nhân làm tốt công tác dân số, từ đó thúc đẩy phong trào thực hiện công tác DS – KHHGĐ tại địa phương. Theo chị Phan Thanh Triết, cán bộ DS-KHHGĐ xã Ôn Lương: Xã có 10 xóm, mỗi xóm đều có một cộng tác viên dân số. Đội ngũ cộng tác viên ở xã rất nhiệt tình, tâm huyết, không ngại khó khăn, vất vả. Họ thường xuyên đến tận hộ để tuyên truyền về DS – KHHGĐ, chuyển tải thông tin về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sàng lọc trước sinh, các biện pháp tránh thai hiện đại… đến người dân. Thêm vào đó, các cộng tác viên dân số còn phân chia người dân thành các “nhóm đích” gồm các cặp vợ chồng sinh con một bề để thường xuyên đến truyền thông, tư vấn về việc không nên sinh con thứ 3. Chị Hồ Thị Chuyên, cán bộ DS-KHHGĐ xóm Xuân Trường, xã Ôn Lương chia sẻ: Làm công tác dân số phải như làm bạn với từng hộ, thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với họ để nắm rõ thông tin, kịp thời tuyên truyền.
Bên cạnh tuyên truyền về công tác DS- KHHGĐ, hàng năm, Trạm Y tế xã đều tổ chức 2 đợt truyền thông lồng ghép và khám, tư vấn điều trị và cấp thuốc, dụng cụ tránh thai miễn phí cho phụ nữ tuổi sinh đẻ; tư vấn sức khỏe cho đối tượng vị thành niên, thanh niên. Xã duy trì 3 mô hình: Câu lạc bộ sàng lọc trước sinh, Câu lạc bộ giảm thiểu mất căn bằng giới tính khi sinh, Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 ở tất cả các xóm trên địa bàn. Các câu lạc bộ này sẽ kết hợp với các đoàn thể trong xóm như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi… tham gia tuyên truyền về các chính sách DS-KHHGĐ.
Do làm tốt chính sách DS-KHHGĐ, trong 5 năm qua (2011-2015), xã Ôn Lương chỉ có 2 trường hợp sinh con thứ 3, tỷ suất sinh thô ở xã giảm trung bình từ 0,25%o – 0,4%o/năm. Ở xã không xảy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh trong giai đoạn 2011-2015 luôn được duy trì trong khoảng 102-105 trẻ nam/100 trẻ nữ. Các chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm đều đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2015, toàn xã có khoảng 67,87% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại: đặt dụng cụ tử cung, sử dụng bao cao su, đình sản…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác DS-KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản của xã Ôn Lương cũng gặp không ít khó khăn: số số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ còn cao ; quan niệm muốn có con trai để nối dõi tông đường vẫn còn phổ biến; điều kiện hoạt động của đội ngũ những người làm công tác dân số vẫn còn khó khăn. Vì vậy, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể và mỗi người dân trong xã để tiếp tục duy trì các kết quả đã đạt được trong công tác dân số, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc ở địa phương.