Nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng trong việc chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã từng bước thay đổi; việc kỳ thị, xa lánh đối với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không còn nặng nề như trước… là những kết quả đánh giá thực tế từ Mô hình Kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Năm 2010, tỉnh Thái Nguyên được Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức phi Chính phủ Catholic Relief Services tại Việt Nam (CRS) triển khai thí điểm xây dựng Mô hình Kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Với mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã lựa chọn 2 xã Linh Sơn và Minh Lập (Đồng Hỷ) để triển khai thực hiện.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Chu Việt, Chủ tịch UBND xã Linh Sơn cho biết: Để thực hiện có hiệu quả Mô hình, chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã và xây dựng đội ngũ 20 cộng tác viên kết nối các dịch vụ cộng đồng. Thông qua đội ngũ cộng tác viên này, các dịch vụ về sức khoẻ, dinh dưỡng, giáo dục của mô hình và các chính sách xã hội dành cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đều được triển khai đầy đủ, kịp thời; đảm bảo cho các em được sống an toàn; hầu hết trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đều được hoà nhập cộng đồng.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, không chỉ ở xã Linh Sơn, Mô hình Kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại xã Minh Lập cũng được triển khai khá hiệu quả. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn 2 xã nói trên đã có hơn 1.500 lượt trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được hỗ trợ khám phân loại trẻ khuyết tật, khám bệnh, tặng sách, vở, sữa, xe đạp, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ tâm lý... Đặc biệt, thông qua Mô hình đã xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ cho trẻ như quản lý trường hợp, hỗ trợ chăm sóc tâm lý, hỗ trợ tăng cường dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, chăm sóc thay thế, dịch vụ liên quan đến chính sách, phúc lợi xã hội và dịch vụ phòng ngừa cho trẻ bị nhiễm HIV/AIDS; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác cung cấp dịch vụ và kết nối chăm sóc toàn diện cho trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS. Ban Chỉ đạo thực hiện Mô hình cấp xã và các cộng tác viên đã đưa các em có nguy cơ lây nhiễm HIV cao đi xét nghiệm, khám sức khỏe định kỳ, chuyển dịch vụ chăm sóc y tế cho trẻ nhiễm HIV; tổ chức cho các em tham gia sinh hoạt nhóm trẻ tại cộng đồng, giúp trẻ được vui chơi giải trí và tự tin trong cuộc sống; tổ chức các buổi nói chuyện về phòng chống HIV/AIDS, không phân biệt kỳ thị trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đồng thời, tư vấn cho các gia đình về cách chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cấp thẻ khám chữa bệnh cho trẻ. Sau hơn 4 năm triển khai mô hình, các trẻ trong nhóm đối tượng ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đều được quản lý, đánh giá nhu cầu và hỗ trợ dịch vụ kịp thời thông qua mạng lưới cộng tác viên. Ngoài ra, 2 địa phương cũng tích cực thực hiện các hoạt động truyền thông về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chống kỳ thị, phân biệt đối xử và cách chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư. Nhờ đó, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ngày càng nhận được sự quan tâm của các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội, góp phần xây dựng một môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh để mọi trẻ em được phát triển toàn diện.
Có thể thấy, Mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻbị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS là một chương trình ý nghĩa, góp phần làm thay đổi về nhận thức của người dân đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS không còn bị xa lánh, sợ hãi và kỳ thị mà được học tập, vui chơi, được sống trong vòng tay nhân ái của cộng đồng. Để Mô hình tiếp tục được triển khai hiệu quả trong những năm tiếp theo rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội.