Góp phần cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh dân tộc thiểu số

13:28, 09/12/2015

Ngày 9/12, tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNECEF) tại Việt Nam và Công ty đa quốc gia Johnson & Johnson ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm cải thiện sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt tập trung vào các bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số khó khăn.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh “Chúng ta không thể để các nguyên nhân có thể phòng ngừa và chữa trị được tiếp tục lấy đi mạng sống của các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Chúng ta cần hành động để đảm bảo rằng tất cả trẻ em được sinh ra an toàn, khỏe mạnh. Tôi tin tưởng rằng quan hệ đối tác với Johnson & Johnson sẽ góp phần cải thiện sức khỏe và phúc lợi của phụ nữ, trẻ em Việt Nam, đặc biệt là nhóm đối tượng khó khăn nhất”.

 

Bà Lauren Moore, Phó Chủ tịch Công ty Johnson & Johnson cho biết, các hoạt động trong khuôn khổ mối quan hệ hợp tác này sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Bộ Y tế trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em thông qua việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế ở 4 tỉnh khó khăn của Việt Nam là: Điện Biên, Lào Cai, Kon Tum, Gia Lai với tổng dân số lên tới hơn 3 triệu người và phần lớn trong số họ là người dân tộc thiểu số.

 

Theo thỏa thuận hợp tác, trong khoảng thời gian 5 năm hợp tác (2016- 2020), Công ty Johnson & Johnson và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Bộ Y tế sẽ giúp nâng cao năng lực cho hơn 3.000 nhân viên y tế và cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số về kỹ năng đỡ đẻ an toàn, chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, chăm sóc kiểu kangaroo. Các nhân viên y tế và nữ hộ sinh ở 4 tỉnh dự án (Điện Biên, Lào Cai, Kon Tum, Gia Lai) cũng sẽ hỗ trợ nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện tốt việc chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Các hoạt động truyền thông cũng được tiến hành để tạo nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng ở phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Dự án cũng nhằm mục tiêu đạt được 80% phụ nữ có thai đi khám thai ít nhất 3 lần và góp phần giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi ở các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Gia Lai và Kon Tum./.