Góp phần quan trọng vào thành công của mỗi ca phẫu thuật

08:43, 16/12/2015

“Là một trong những khoa lâm sàng của Bệnh viện, Khoa Gây mê hồi sức đã làm tốt nhiệm vụ gây mê, hồi sức, duy trì điều chỉnh các chức năng sống quan trọng nhất của cơ thể con người trong thời gian thực hiện phẫu thuật và hậu phẫu. Các cán bộ, bác sĩ trong Khoa luôn nhận được sự tin tưởng của Ban Giám đốc Bệnh viện và sự yêu mến của người bệnh”. Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Thị Thập, Phó Giám đốc Bệnh viện C đã giới thiệu với chúng tôi như vậy về Khoa Gây mê hồi sức.

Trên bàn làm việc của Bác sĩ Lê Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Gây mê hồi sức có một chiếc hộp gỗ được giữ gìn rất cẩn thận. Đó là chiếc hộp chứa những lá thư cảm ơn của bệnh nhân dành cho các bác sĩ, cán bộ trong Khoa. Lật mở một vài bức thư, chúng tôi thấy với những bài thơ, đôi lời tâm sự hoặc đơn giản là tờ giấy nhỏ ghi vội câu cảm ơn trước lúc xuất viện… Bác sĩ Bình chia sẻ: “Trên thực tế, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân là nhiệm vụ hàng ngày của chúng tôi. Nhưng nhờ có những lời cảm ơn, động viên của bệnh nhân và người nhà của họ, chúng tôi đã có thêm tình yêu, niềm vui đối với công việc của mình. Những lời cảm ơn đó chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi làm tốt công việc được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của người bệnh”.

 

Nói về công việc của mình và các đồng nghiệp trong Khoa, bác sĩ Bình trầm ngâm: Nhiều người nghĩ gây mê hồi sức đơn giản là làm cho bệnh nhân ngủ sâu và không đau, nhưng thực tế thì khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Trong suốt thời gian phẫu thuật, bác sĩ gây mê hồi sức phải điều khiển máy móc và phương tiện, theo dõi tình trạng sức khoẻ của người bệnh. Không ít lần chúng tôi phải ứng phó với các rối loạn của người bệnh, như: chảy máu, hạ thân nhiệt, rối loạn đông máu... để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Còn bác sĩ Đinh Công Luyện chia sẻ: Thậm chí những cuộc tiểu phẫu đơn giản nhưng công việc gây mê vẫn hết sức nặng nề, đặc biệt đối với người bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, có tiền sử tai biến… Nếu trước khi phẫu thuật, bác sĩ gây mê không khám, đánh giá kỹ tình hình sức khoẻ của bệnh nhân, điều chỉnh, đề ra phương pháp gây mê, thời gian phẫu thuật hợp lý thì khi tiến hành gây mê, bệnh nhân có thể gặp phải những tai biến, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

 

Nhận thức được tầm quan trọng của công việc gây mê hồi sức, những năm qua, các cán bộ, bác sĩ Khoa Gây mê Hồi sức đã luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện mục tiêu “Không đau trong và sau phẫu thuật”. Khoa hiện có 5 phòng phẫu thuật, 2 phòng hồi sức với 15 giường bệnh. Công suất giường bệnh thường xuyên đạt từ 90% đến trên 100%. Khoa hiện có 18 cán bộ, trong đó có 3 bác sĩ, 13 cử nhân và điều dưỡng gây mê, 2 hộ lý hoàn thành tốt nhiệm vụ gây mê hồi sức cho bình quân khoảng 5.000 ca phẫu thuật và 3.000 ca thủ thuật mỗi năm. Trong vòng 3 năm trở lại đây, Khoa đã triển khai nhiều kỹ thuật, phương pháp điều trị mới cũng như một số kỹ thuật vượt tuyến: phương pháp gây tê ngoài màng cứng, giảm đau đường tĩnh mạch do bệnh nhân tự điều khiển; gây mê hồi sức cho bệnh nhân là trẻ sơ sinh, người già yếu; giảm đau sau phẫu thuật; gây mê hồi sức cho bệnh nhân phẫu thuật u não… Khoa cũng đã được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại phục vụ điều trị như: máy gây mê kèm thở, monitor theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, C-arm phòng mổ, hệ thống nội soi dạ dày, đại tràng…

 

Có thể nói, đằng sau những ca mổ thành công, dù lớn dù nhỏ, luôn có sự cống hiến không nhỏ của người bác sĩ gây mê hồi sức.