Đều đặn hơn 1 năm nay, việc làm đầu tiên của bà Trần Thị Diệp ở tổ 21, phường Quang Trung, Thành phố Thái Nguyên sau khi được lĩnh lương hưu hàng tháng là ra cửa hàng mua 10kg gạo và mang đến cho cháu Phan Thành Đạt - đứa trẻ mồ côi nhiều bất hạnh ở cùng tổ dân phố. Việc làm này bà Diệp làm tự nguyện, xuất phát từ lòng yêu thương của bà dành cho cháu Đạt. Trò chuyện với chúng tôi, bà Trần Thị Dung, bà nội đang của cháu Đạt cho biết: “Món quà của bà Diệp đã góp phần động viên, giúp đỡ 2 bà cháu tôi rất nhiều trong cuộc sống thường ngày.”
Trải lòng với chúng tôi, bà Dung nói: Ông nội của Đạt không may mất sớm, bà sống với vợ chồng người con trai nhưng vì kinh tế gia đình khó khăn và cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc nên mẹ Đạt đã bỏ nhà đi từ khi Đạt chưa đầy 20 tháng tuổi. Cách đây hơn 1 năm, bố của Đạt lại không may bị tai nạn giao thông qua đời. Từ đó, chỉ còn bà nội là chỗ dựa duy nhất của Đạt trong cuộc sống. Cuộc sống khó khăn luôn bủa vây 2 bà cháu vì bà năm nay đã gần 70 tuổi, sức khỏe yếu lại không có lương. Để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, bà chỉ còn cách trông vào ít trầu cau, hàng mã bán vào các dịp mùng một, hôm rằm hàng tháng ở khu vực chợ Ga Thái Nguyên. Còn vào các ngày thường, ai cần việc gì, bà sẵn sàng làm thuê việc ấy để lấy tiền nuôi cháu.
Cảm thương trước hoàn cảnh của 2 bà cháu, bà Trần Thị Diệp đã không ngần ngại san bớt 1 phần số lương hưu ít ỏi để mang hạt gạo chứa đựng tình yêu thương của mình đến cho cháu Đạt. Nói chuyện với chúng tôi bà Diệp chia sẻ: “Tôi vẫn nói với bà Dung là bao giờ tôi chết đi thì thôi, chứ còn sống thì tôi còn giúp đỡ, nuôi dưỡng cháu Đạt. Tôi cũng không bao giờ nghĩ việc làm của mình là to tát cả mà chỉ là xuất phát từ tình yêu thương của mình.”
10 tuổi, cái tuổi đáng lẽ ra còn rất hồn nhiên, ngây thơ nhưng riêng với Đạt, em trưởng thành. Hằng ngày, em tự đi bộ tới trường. Không có điều kiện đi học thêm, em tự học ở nhà. Không được bố mẹ dạy bảo hàng ngày nhưng bù lại em đã có bà nội hết mực yêu thương chăm sóc. Đáp lại tình yêu thương ấy, Đạt luôn ngoan ngoãn, lắng nghe lời của bà. Đi học về, em nấu cơm, nhặt rau giúp bà. Khi bà nội đau ốm, em biết đấm lưng, lấy nước cho bà uống. Còn riêng với bà Diệp, Đạt cũng có những suy nghĩ và tình cảm đặc biệt. Em tâm sự: “Em quý bà Diệp như bà nội của mình nên luôn nghe lời dạy bảo của bà và quyết tâm học giỏi để 2 bà vui lòng”.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Dung nói: “Tôi vẫn bảo cháu là bà Diệp là bà đỡ đầu của cháu, dù bà không trực tiếp nuôi dạy cháu nhưng cũng có công giúp đỡ nuôi dưỡng, yêu thương cháu như cháu ruột của mình.”
Chỉ với một hành động nhỏ nhưng bà Trần Thị Diệp ở tổ 21, phường Quang Trung đã truyền đi một thông điệp yêu thương rất lớn. Chúng tôi tin rằng, với tình yêu thương vô bờ của 2 người bà dành cho mình, Đạt sẽ có sức mạnh tinh thần để vượt qua hoàn cảnh, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.