Miễn thị thực cho khách du lịch, hiệu quả đến đâu ?

08:34, 06/12/2015

Trước tình hình bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế ở một số khu vực trên thế giới làm sụt giảm nghiêm trọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nghị quyết miễn thị thực cho công dân các nước: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, I-ta-li-a trong một năm; Bê-la-rút trong 5 năm tính từ ngày 1-7-2015. Sau năm tháng triển khai, đã có những dấu hiệu tích cực từ ngành du lịch.

Những tín hiệu khả quan

 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6-2015 (thời điểm chưa áp dụng miễn thị thực), lượng khách quốc tế từ năm nước Tây Âu đến Việt Nam vẫn trên đà giảm chung. Cụ thể, lượng khách Anh chỉ đạt 12.873 lượt, giảm 2,7% so với tháng trước; lượng khách Pháp chỉ đạt 9.572 lượt, giảm 44,1% so với tháng trước; lượng khách Đức đạt 6.000 lượt, giảm 27% so với tháng trước...

 

Tuy nhiên, đến tháng 8-2015, tức sau hai tháng triển khai chính sách miễn thị thực, lượng khách quốc tế đến từ những thị trường trọng điểm này đã có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng. Cụ thể, so với tháng 7, lượng khách Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, I-ta-li-a tăng lần lượt 25,5%, 25,8%, 54,1%, 159,3%, 141,4%. Càng về cuối năm, tốc độ tăng trưởng càng mạnh mẽ. Tất nhiên, việc gia tăng này là kết quả của nhiều tác động, song không thể phủ nhận sức hấp dẫn từ chính sách miễn thị thực đã kích thích quyết định đến Việt Nam của khách quốc tế. Đây cũng là nhân tố quyết định góp phần nâng tổng số lượng khách quốc tế tới nước ta đạt mức tăng trưởng dương trở lại kể từ tháng 7 tới nay, kết thúc chuỗi 13 tháng suy giảm liên tục.

 

Từ tháng 6-2015, ngay sau khi các Nghị quyết số 39/NQ-CP và 46/NQ-CP của Chính phủ được ban hành về việc miễn thị thực có thời hạn cho công dân năm nước Tây Âu và Bê-la-rút, Tổng cục Du lịch đã trực tiếp làm việc với Đại sứ quán các nước này để gửi thông tin chính thức đến doanh nghiệp và công dân các nước; phối hợp Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và các hãng hàng không tại Việt Nam thông báo tới tất cả các đại lý, chi nhánh; hướng dẫn doanh nghiệp gửi thông tin đến các đối tác quốc tế. Đầu tháng 7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch hành động nhằm triển khai hiệu quả chính sách miễn thị thực. Nhiều buổi hội thảo, họp báo trong nước và quốc tế; nhiều đợt quảng cáo, giới thiệu sản phẩm tại các thị trường trọng điểm, khảo sát liên kết phát triển sản phẩm… được tiến hành nhằm quảng bá, xúc tiến, thu hút hiệu quả khách từ Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, I-ta-li-a và Bê-la-rút tới Việt Nam. Miễn thị thực nghĩa là chi phí du lịch được giảm bớt. Bởi thế, tận dụng cơ hội này, các hãng lữ hành trong nước cũng liên tục gửi thông báo tới khách hàng về việc giảm giá tua; đồng thời nỗ lực đưa ra các sản phẩm mới hấp dẫn, thu hút khách du lịch…

 

Chính sách miễn thị thực đã đủ sức hấp dẫn?

 

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Việt Nam vẫn cần rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để trả lời câu hỏi: Làm thế nào phát huy tốt nhất hiệu quả từ chính sách miễn thị thực? Tổng Cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhận định, chính sách miễn visa khi được ban hành cần có thời gian để phát huy tác dụng thật sự đối với các thị trường nguồn. Vì thế, thời hạn miễn một năm cho năm nước Tây Âu tính từ 1-7-2015 quả là một thách thức lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và du khách trong quá trình triển khai. Thông thường, các kế hoạch kinh doanh phải kéo dài từ ba đến 5 năm; thậm chí hơn nữa để các doanh nghiệp lên phương án đầu tư nguồn lực và sắp xếp kế hoạch. Hoạt động xúc tiến, quảng bá cũng cần khoảng bốn đến sáu tháng hoặc nhiều hơn, để đưa được các gói sản phẩm cụ thể tới đối tượng mục tiêu. Đó là chưa kể, với những thị trường có khoảng cách địa lý xa như Tây Âu, khách cần ít nhất ba tháng đến nửa năm để quyết định điểm đến du lịch. Tức là có nhiều khả năng khi các gói sản phẩm vừa được giới thiệu đến khách hàng mục tiêu thì chính sách cũng sắp hết hạn. Bởi thế, thời gian qua, dù lượng khách quốc tế mang quốc tịch các nước được miễn visa tới Việt Nam có tăng lên, nhưng theo thống kê, đây hầu như là những người đang sinh sống, làm việc hoặc du lịch ở các khu vực gần nước ta. Từ đây, có thể thấy, chính sách miễn thị thực ngắn hạn trong vòng một năm là chưa thể đủ để thật sự hỗ trợ doanh nghiệp.

 

Dù không nằm trong nhóm những quốc gia có lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất, nhưng với mức chi tiêu cao và thời gian lưu trú dài ngày, Tây Âu được xem là thị trường quan trọng và phát triển tương đối ổn định của ngành du lịch. Do đó, theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Hanoi Redtours, việc Chính phủ ban hành chính sách miễn visa cho năm nước Tây Âu và Bê-la-rút là quyết định thích đáng, hợp lý. Bản thân công dân các nước này khi biết thông tin nêu trên cũng cảm thấy mình là đối tượng được Việt Nam trân trọng, ưu tiên; và muốn đến Việt Nam hơn. Từ khi chính sách có hiệu lực, lượng khách đặt tua của Hanoi Redtours đến từ những quốc gia được miễn thị thực đã tăng lên khoảng 20%. Tuy nhiên, do thời hạn hiệu lực chỉ một năm cho nên bản thân Hanoi Redtours và nhiều hãng lữ hành khác chưa thể mạnh tay xây dựng kế hoạch quảng bá cho năm kế tiếp. Hơn nữa, thời gian miễn thị thực chỉ quy định trong 15 ngày và phải cách thời điểm xuất cảnh trước đó ít nhất 30 ngày cũng đang là một bất lợi với khách du lịch. Ông Hoan cho biết, khách từ thị trường Tây Âu thường có thời lượng nghỉ phép dài, khoảng 20 đến 30 ngày/năm, vì vậy chuyến du lịch của họ thường kéo dài lâu hơn 15 ngày. Chưa kể, khi chọn Việt Nam là điểm đến, họ thường kết hợp du lịch các nước láng giềng như Lào, Cam-pu-chia và có nhu cầu quá cảnh Việt Nam để nối chuyến. Hoặc sau khi thăm các nước Đông Dương, họ lại có nhu cầu quay trở lại Việt Nam để bay về nước. Trong trường hợp này, đã quá thời gian lưu trú 15 ngày, và khi quay về Việt Nam chưa đủ 30 ngày kể từ khi xuất cảnh, cho nên phần lớn khách vẫn phải làm thủ tục cấp visa. Cũng vì bất tiện này mà nhiều nhóm khách thay vì sử dụng đường bay Việt Nam để thực hiện lịch trình đến nước ta - đi thăm các nước khác - quay lại Việt Nam bay về nước, thì lại chọn đến các nước khác, và Việt Nam chỉ là nước được ghé qua trên hành trình du lịch. Như vậy, vô hình trung, dù chúng ta đã thực hiện lịch trình miễn visa, nhưng những quy định liên quan lại đang khiến Việt Nam mất đi một thị trường khách “sộp”, nhất là mất đi một lượng khách đáng kể đến và rời khỏi Việt Nam bằng đường hàng không. Theo đại diện của nhiều hãng lữ hành, để khắc phục hạn chế này, Việt Nam nên tăng thời gian được miễn visa lên 30 ngày, hoặc ít nhất là 21 ngày; đồng thời có kế hoạch thông báo trước ít nhất nửa năm trước khi chính sách miễn visa được ban hành để các doanh nghiệp có đủ thời gian lên kế hoạch giới thiệu, quảng bá tới thị trường nguồn…

 

Tổng cục Du lịch cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước, sẽ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xuất, nhập cảnh mới; đồng thời tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất Chính phủ kéo dài thời gian miễn thị thực và mở rộng miễn thị thực cho các quốc gia khác theo lộ trình.