Nhiều hạng mục của dự án chè chưa phát huy hiệu quả

09:07, 09/12/2015

Tiểu dự án “Nâng cao chất lượng sản xuất chè an toàn” được triển khai tại 2 xóm Cà Phê 1 và Sông Cầu (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ) với kinh phí đầu tư hàng tỷ đồng. Thế nhưng trong quá trình sử dụng, nhiều hạng mục đã không phát huy được hiệu quả, khiến người dân thất vọng.

Tiểu dự án “Nâng cao chất lượng sản xuất chè an toàn” (thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình sinh khí học - QSEAP) của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh được hoàn thành từ năm 2013. Công trình có tổng số vốn đầu tư khoảng 7 tỷ đồng với nhiều hạng mục: Hệ thống tưới tiêu, đường giao thông, bể thu gom phế thải, nhà sơ chế sản phẩm… Tuy nhiên chưa đầy một năm sử dụng, hai hạng mục là hệ thống tưới tiêu và nhà sơ chế sản phẩm bộc lộ nhiều hạn chế và không phát huy hiệu quả.

 

Trao đổi với ông Đoàn Văn Chiến, Trưởng xóm Sông Cầu, chúng tôi được biết: Với hạng mục hệ thống tưới tiêu có tổng cộng 8 bể chứa nước dẫn nước từ Trạm khai thác thủy lợi huyện Đồng Hỷ, dự kiến cung cấp nước tưới cho khoảng 30ha chè tập trung của hơn 50 hộ dân. Được biết đây là hệ thống tiết kiệm nước, tạo hiệu quả tưới lâu dài (duy trì độ ẩm trong đất, chống xói mòn đất). Tuy nhiên, thay vì sử dụng hệ thống tưới của dự án những người dân này lại thường xuyên bơm nước từ giếng, suối để tưới cho cây chè. Giải thích về hiện trạng này, nhiều người cho biết: Vì các vòi tưới không thiết kế bên trong luống chè mà chỉ đặt ở đầu bãi nên khi tưới theo phương thức nhỏ giọt sẽ tốn nhiều thời gian. Hơn nữa, các bể thường hay thiếu nước nên hệ thống không được sử dụng thường xuyên. Ông Đinh Văn Úy, người dân của xóm Cà Phê 1 cho biết: “Từ khi công trình hoàn thành đến nay, bể nước gần bãi chè nhà tôi chỉ 2 lần được bơm đủ nước. Mặc dù sử dụng chung kênh mương của Trạm khai thác thủy lợi huyện Đồng Hỷ nhưng các bể không được cấp nước định kỳ, lúc đủ lúc thiếu và không đúng thời điểm cần tưới”. Ngoài ra, chưa có hệ thống ngăn cách giữa mương dẫn nước vào bể chứa và mương tưới nước cho cây nông nghiệp, nên khi Trạm khai thác thủy lợi huyện Đồng Hỷ bơm nước để phục vụ cho cây chè thì nước dư sẽ theo mương chảy xuống đồng ruộng gây lãng phí.

 

Hệ thống “nhà sơ chế sản phẩm” nơi từng được kỳ vọng sẽ đem đến một mô hình sản xuất chè theo hướng tập thể với các thiết bị hiện đại (máy ủ hương chè và máy hút chân không), nhưng hơn 2 năm qua các thiết bị này gần như phải “đắp chiếu” do điện không đảm bảo để vận hành. Ông Quách Văn Mai, trưởng xóm Cà Phê 1, tổ trưởng tổ hợp sản xuất chế biến chè an toàn của dự án cho biết: “Từ khi dự án hoàn thành đến nay, bà con chưa sơ chế được mẻ chè nào. Do các thiết bị chạy với động cơ điện 3 pha, công suất từ 2,5 đến 6,5 KW nhưng lại sử dụng nguồn điện sinh hoạt của trạm biến áp số 2 - xóm Trại Cài và cách nhà sơ chế khoảng 2km nên điện không đủ mạnh để hoạt động”.

 

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng trên, ông Dương Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Minh Lập cho biết: Hệ thống tưới nhỏ giọt không phát huy hết hiệu quả một phần là do dự án không tập huấn cho dân nhận thức được lợi ích, ý nghĩa của hệ thống tưới nhỏ giọt so với việc tưới chè bằng máy bơm. Ngoài ra, tổ hợp sản xuất chế biến chè an toàn của dự án chưa xây dựng được quy chế, kế hoạch bơm nước định kỳ và ký hợp đồng với công ty thủy lợi để được bơm nước ổn định. Riêng đối với nhà sơ chế sản phẩm, chúng tôi cũng đang đề nghị lấy điện từ trạm biến thế của ngành thủy lợi, cách nhà sơ chế khoảng 450m để đảm bảo cho hoạt động sản xuất của bà con.

 

Không thể phủ nhận rằng, tiểu dự án nói trên đã đem đến nhiều lợi ích cho dân như: Đầu tư giống vốn, cách thức tổ chức sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, bê tông hóa 2km đường giao thông dẫn ra vùng chè tập trung, hệ thống bể thu gom rác thải… Tuy nhiên, hai hạng mục của dự án (sản xuất chè an toàn) lại chưa phát huy được tác dụng, điều này không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè. Mặc dù đã nhiều lần liên hệ với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin về trách nhiệm và hướng giải quyết đối với vấn đề này. Người dân rất mong chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục những hạn chế, để các hạng mục này phát huy hiệu quả, tránh lãng phí.