Bị lây nhiễm H. từ chồng, đã từng có phút giây nghĩ đến cái chết, nhưng rồi vượt qua bao đắng cay buồn tủi, người phụ nữ ấy đã gồng mình dậy, tích cực lao động sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội với niềm tin về một ngày mai tương sáng hơn.
Chúng tôi đến nhà chị Đ.K.S (sinh năm 1981) xóm Bá Sơn, xã Cổ Lũng (Phú Lương) cũng là lúc chị và đứa con gái lớn vừa vác củi từ trên đồi về. Thấy có khách, chị ngừng tay xếp củi mời chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà vắng vẻ, quạnh hiu khi vắng bóng dáng của người đàn ông trong gia đình. Khi nghe chúng tôi nhắc về quá khứ, chị lén quay đi gạt vội những giọt nước mắt đang chực rơi.
Trước đây, chị vốn là một cô thôn nữ xinh đẹp, giỏi giang, có biết bao trai làng theo đuổi. Và rồi chị quyết định xây dựng hạnh phúc gia đình với một chàng trai hiền lành, chịu thương chịu khó ở xóm bên khi vừa chớm tuổi hai mươi. Năm 2004, hai vợ chồng vui mừng đón cô con gái đầu lòng. Năm 2006, chị sinh đứa con thứ 2 cũng là lúc chồng mắc nghiện và phải vào trại cai nghiện. Một mình chăm hai con nhỏ, cáng đáng mọi việc thỉnh thoảng lại bớt chút thời gian, tiền bạc vào trại động viên chồng vững tâm cai nghiện về với vợ con.
Năm 2007, khi đứa thứ hai hơn 1 tuổi, cũng là lúc chồng chị được ra trại, chị tưởng lần này anh trở về sẽ thay đổi tâm tính, làm lại cuộc đời, nhưng mọi chuyện không như chị mong đợi. Chồng chị lại theo đám bạn cũ, tụ tập hút chích, làm được đồng nào lại đổ hết vào “nàng tiên nâu”. Đồ đạc trong nhà cũng mang đi bán sạch. Con ốm không có tiền mua thuốc, chị phải bán đi mảnh đất cạnh nhà để lo cho con, số tiền còn lại, chị tích góp mua được 1 chiếc xe máy để có phương tiện đi lại cho đỡ khổ. Cũng vào thời điểm ấy chị biết mình có thai nhưng nghĩ với cuộc sống hiện tại khó có thể chăm sóc tốt cho cả 3 đứa con, nên chị quyết định bỏ thai, từ lần bỏ thai này, cuộc đời chị rẽ sang một trang khác. Cầm tờ giấy xét nhiệm máu trên tay, chị như chết lặng khi nhìn kết quả dương tính với H. Chồng chị đã bị nhiễm H. mà không hề hay biết rồi lây sang chị.
Chị nói: “Đối với tôi khi ấy, tương lai coi như chấm hết. Cả tháng trời, tôi nằm khóc cả ngày trên giường. Tôi suy sụp hoàn toàn...” Khi mọi người biết chuyện, họ đều xa lánh gia đình chị, hàng xóm ít qua lại, trò chuyện hơn xưa, có người còn nói ác miệng với chị. Tủi phận, thương mình nhưng chị chẳng dám trách ai.
Năm 2011, chồng chị qua đời vì căn bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối. Chán nản khi luôn phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử rất nặng nề của làng xóm, chị rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Đã có lần chị định kết liễu cuộc đời mình, nhưng nghe tiếng khóc của hai đứa trẻ, chị lại nghĩ khác. Chị phải sống để lo cho hai đứa con, không thể bắt chúng khổ theo mẹ được. Từ đó, chị lao vào làm việc, kiếm tiền nuôi các con ăn học, chị đã chứng minh cho mọi người thấy rằng lây nhiễm HIV không là một cái tội. Hàng tháng, chị lên huyện lấy thuốc uống, bệnh tình của chị không có biểu hiện gì xấu, công việc cũng thuận lợi hơn. Ngoài tích cực lao động sản xuất, chị còn hăng hái tham gia các hoạt động tuyên truyền về HIV tại địa phương và tham gia nhóm Hoa Hướng Dương, tại đây chị gặp gỡ nhiều chị em cùng cảnh ngộ, cùng động viên nhau vượt qua nỗi đau vươn lên trong cuộc sống. Chị bảo: Vui nhất đối với tôi bây giờ là hai đứa con gái chăm ngoan, học giỏi. Các cháu chính là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn thử thách của cuộc sống. Mọi người xung quanh cũng không còn kỳ thị chuyện tôi bị bệnh, họ đã đối xử thân tình hơn với gia đình tôi.
Hình ảnh người phụ nữ chịu bao buồn tủi vẫn gồng mình tin ở tương lai khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Mong sao những người nhiễm H. như chị không còn phải chịu sự kỳ thị, không còn cảm thấy bi quan để sống tiếp cuộc sống của chính mình.