Nỗi niềm người dân tổ dân phố Nguyễn

09:00, 08/12/2015

Từ nhiều năm nay, người dân tổ dân phố Nguyễn 1, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) thường xuyên gặp khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển nông sản qua những chiếc cầu nhỏ hẹp, tạm bợ, mặc cho nguy hiểm rình rập.

Tổ dân phố Nguyễn 1 (tách ra từ làng Nguyễn trước đây) hiện có 108 hộ dân và trên 400 nhân khẩu. Mặc dù nằm ở trung tâm thị trấn Hương Sơn nhưng 100% số hộ làm nông nghiệp với diện tích đất canh tác trên 50ha. Theo ông Dương Văn Nguyên, Tổ trưởng tổ dân phố Nguyễn 1 thì diện tích này tập trung chủ yếu ở cánh đồng Đồng Trước và Sau Làng nơi có hai chiếc cầu với chiều dài hơn 10m được người dân bắc tạm bợ qua những con kênh để đi lại, thông thương hàng hóa. Gọi là cầu nhưng thực chất là những tấm xi măng nhỏ được ghép trên những thanh sắt làm đòn chống đỡ đã cũ, hoen gỉ và rộng chừng 1m. Cầu này nối liền với tuyến đường liên thôn có chiều dài khoảng 2km nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, vì nhỏ hẹp nên mỗi lần qua cầu người dân thường phải chờ đợi nhau, thậm chí có nhiều trường hợp do bất cẩn đã rơi xuống kênh bị gãy tay, gãy chân. Vào ngày mùa, một số máy móc như: máy gặt, máy cày... không thể qua cầu nên việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở đây còn gặp khó. Khổ nhất là những em học sinh, từ cánh đồng Sau Làng lên trường học ngoài thị trấn chưa đầy nửa km nhưng đi lại khó khăn nên các em thường phải đi vòng bờ đê dọc con sông Đào, xa gấp 3, 4 lần.

 

Với hơn 1 mẫu ruộng trên cánh đồng Đồng Trước, nhiều năm nay, gia đình ông Tạ Văn Vững vẫn phải vận chuyển lúa về nhà bằng chiếc xe cải tiến loại nhỏ nhất vì không loại máy gặt nào có thể qua cầu vào cánh đồng. Ông Vững cho biết Vụ mùa nào cũng vậy, gia đình tôi cũng mất gần 1 tháng trời để thu hoạch hết diện tích tại cánh đồng này, bởi cây cầu là con đường chính và duy nhất để đi lại và vận chuyển nông sản về nhà. Ngày nắng còn đỡ, chứ hễ mưa to là nước dưới kênh đã mấp mé mặt cầu, chỉ bất cẩn một chút là có thể trượt chân ngã xuống.  Cùng chung tình cảnh nhà ông Vững, ông Nguyễn Văn Bình có 5 sào ruộng ở cánh đồng Sau Làng, cứ mùa gặt vợ chồng ông phải thay nhau gánh lúa nửa cây số từ bên này con kênh sáng phía bờ bên sau đó mới dùng xe cải tiến mang lúa về nhà.

 

Được biết, không chỉ người dân tổ dân phố Nguyễn 1 mà bà con tổ dân phố Nguyễn 2 cũng gặp những khó khăn tương tự. Từ những khó khăn trên, người dân làng Nguyễn chỉ cấy hai vụ lúa còn lại là bỏ đất không. Bởi theo họ, dù có trồng được rau màu thì con đường vận chuyển cũng khá gian nan, không có thương lái đến thu mua hoặc có thì người dân bị ép giá, chẳng được là bao. Mặt khác, cứ đến ngày mùa, nhà nào nhà nấy đều phải huy động hết nhân lực để thu hoạch, vận chuyển... tốn nhiều công sức, thời gian mà nhiều khi vẫn không kịp tiến độ so với kế hoạch sản xuất. Mong mỏi của người dân nơi đây là có được chiếc cầu chắc chắn, an toàn và đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như sản xuất để bà con yên tâm, ổn định cuộc sống.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Viết Hòa, Chủ tịch thị trấn Hương Sơn cho biết: Những chiếc cầu đi qua các cánh đồng thuộc tổ dân phố Nguyễn 1 có vai trò quan trọng đối với việc đi lại cũng như phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, hiện cầu vẫn còn tạm bợ và đã xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên bị ngập khi trời mưa do nước dưới kênh dâng cao. Hằng năm, xã đều cùng bà con gia cố lại chiếc cầu, hạn chế việc xuống cấp nhưng chỉ được một thời gian lại nứt, gãy. Người dân đã nhiều lần kiến nghị được hỗ trợ xây mới lại những cây cầu này nhưng kinh phí lớn, vượt quá khả năng của xã. Mới đây, đoàn khảo sát của huyện đã đi kiểm tra và có kế hoạch nâng cấp nhưng vẫn đang chờ kinh phí để thực hiện.