Nhà cửa lộ cộ, tạm bợ, tan hoang... là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến xóm 3, xóm 4, xã Hà Thượng (Đại Từ) - Hai xóm có một phần diện tích nằm trong phạm vi quy hoạch trong kế hoạch quản lý môi trường của Dự án Núi Pháo. Khi chúng tôi hỏi chuyện, tất cả những người được phỏng vấn đều hiểu, khi đất đai đã nằm trong vùng quy hoạch thì không được phép xây mới, cơi nới nhà cửa, hàng quán...
Người dân cũng hiểu rõ rằng, khi Dự án đã tiến hành kiểm đếm thì những công trình xây dựng nhằm mục đích đón đền bù và công trình phát sinh sau kiểm đếm sẽ không được nhận tiền hỗ trợ, đền bù. Nhưng suy nghĩ và “lý thuyết” là một chuyện, còn thực tế lại là chuyện hoàn toàn khác... Và chính sự cố tình làm trái các quy định hiện hành đã khiến diện mạo của xóm 3, 4 thay đổi, người dân nơi đây đã tự đẩy cuộc sống của chính họ rơi vào sự xáo trộn, bấp bênh.
Biết sai, nhưng vẫn... làm
Trước năm 2010, gia đình chị Phạm Thị H. ở xóm 4, nhưng vị trí nằm cạnh Quốc lộ 37 (khu vực này trong diện phải giải tỏa, đền bù thuộc Dự án Núi Pháo). Sau khi nhận đủ tiền đền bù, gia đình chị H. đã mua một mảnh đất vẫn thuộc xóm 4 (chỉ cách chỗ ở cũ khoảng 500m) để tái định cư. Năm 2013, khu đất gia đình chị đang ở lại có thông báo thuộc diện quy hoạch của Dự án Núi Pháo và đương nhiên, gia đình chị H. một lần nữa nằm trong danh sách phải di dời toàn bộ nhà cửa. Đến thăm nhà chị H., qua trò chuyện, chị H. bày tỏ mong muốn tha thiết được nhanh chóng nhận tiền đền bù để di dời càng nhanh càng tốt vì hàng ngày không chịu được khói bụi, tiếng ồn... từ Nhà máy sản xuất khoáng sản Núi Pháo phát ra (dù rằng, theo cảm nhận của chúng tôi thì cây cối xung quanh nhà chị H. vẫn xanh tốt, không thấy khói bụi, câu chuyện giữa tôi và chị không bị ảnh hưởng của tiếng ồn).
Rời nhà chị H., chúng tôi tới thăm gia đình bà Bùi Thị N. ở xóm 3. Dù chỉ có 3 thành viên hiện đang sinh sống, nhưng nhà bà N. có rất nhiều phòng, nhà vệ sinh, đường đi lối lại rích rắc như… trận địa, dù chỉ là nhà cấp 4, nhà tạm, nhưng chân tường lại được ốp gỗ, đá hoa cương, thậm chí còn ốp đá cả phần chân tường nhà bếp... Không giống như ở bất kì một nơi nào khác, có nhiều nhà ở xóm 3 và xóm 4, còn lợp mái che, trần nhựa cho đoạn đường từ cổng vào tới nhà; còn mảnh đất nào trống họ đều cố gắng xây dựng, bưng bít cho “kín cổng cao tường”... khiến chúng tôi chỉ ghé chân qua cũng có cảm giác ngột ngạt, khó thở. Dù là những xóm thuần nông, không gần nhà máy, xí nghiệp lớn, nhưng có gia đình làm tới chục phòng trọ chỉ để đóng cửa im ỉm suốt ngày, mặc bụi phủ kín vì... không có khách thuê. Có những ngôi nhà hai tầng kiến trúc hiện đại nhưng giờ đã được quây kín bởi tường rào, mái tôn cao tới 2-3 mét; có ngôi nhà trước kia thiết kế một tầng, giờ cũng liều chồng thêm tầng nữa, khiến nhiều mạch vữa không chịu được lực nứt toác rất nguy hiểm. Cá biệt, có nhà có vuông ao nhỏ, cũng mang cây que dựng lên giữa ao mấy gian nhà để... không. Các cụ ta vẫn nói “đêm nằm năm ở”, liệu các hộ dân hằng ngày, hàng giờ ở trong những ngôi nhà như vậy có cảm giác an tâm, ngon giấc? Những người dân nơi đây lại cho rằng nhu cầu cuộc sống của họ cần như vậy? Rồi lại than thở, kiến nghị vì sinh hoạt của họ bị xáo trộn, cuộc sống ngột nhạt, bấp bênh, nguy hiểm vì có... Dự án hoạt động (!?).
Những công trình xây mới, cơi nới sẽ không được hỗ trợ, đền bù
Đó là khẳng định của ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khai thác Chế biến kháng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) trong các cuộc họp với các hộ dân ở xóm 3, xóm 4 và với chính quyền xã Hà Thượng và huyện Đại Từ, trước thực trạng gần 300 hộ dân ở xóm 3, xóm 4, xã Hà Thượng (Đại Từ) ồ ạt xây dựng, cơi nới các công trình nhà ở, tường rào, quán bán hàng…
Ông Vũ Hồng cho biết, ngay sau khi phát hiện thực trạng trên, NuiPhao Mning đã nhiều lần có công văn gửi tới UBND huyện Đại Từ, UBND xã Hà Thượng đề nghị chính quyền kiểm tra, lập biên bản về các trường hợp cố tình xây dựng, cơi nới công trình. Quan điểm của Công ty về việc những hộ xây dựng, cơi nới công trình mới đón đền bù sau khi có công bố quy hoạch theo quy định của pháp luật chắc chắn sẽ không được đền bù và hỗ trợ. NuiPhao Mining cũng đã có công văn nói rõ về vấn đề này gửi tới UBND xã Hà Thượng, UBND huyện Đại Từ và báo cáo UBND tỉnh. Công ty kiên quyết thực hiện đúng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Nhà nước và UBND tỉnh Thái Nguyên. Cùng với đó, Dự án đã gửi nhiều công văn mong sớm nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành chức năng của tỉnh, huyện, xã để giải quyết dứt điểm những sai phạm này. Nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn “dậm chân” tại chỗ, khiến NuiPhao Mining gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm đếm, đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ở thời điểm năm 2013, ngay sau khi nhận được thông tin các hộ dân xóm 3, 4 ồ ạt xây dựng, cơi nới nhà cửa, hàng quán... không kể ngày, đêm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng về vấn đề này. Ông Hồng cũng đã bày tỏ những băn khoăn, lo ngại trước sự việc: Khu vực 2 xóm trên thuộc vùng phụ trợ của Dự án có phần lớn diện tích đất phải thu hồi. Chúng tôi đã làm đầy đủ các quy trình về thông tin, thông báo tới các hộ dân trong vùng phụ trợ của Dự án Núi Pháo về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhưng thực chất, nhiều hộ dân đoán biết được chủ trương, kế hoạch của Dự án nên đã xây dựng nhiều công trình từ trước khi có thông báo. Sau khi có thông báo thì việc xây dựng trở nên ồ ạt, khiến chúng tôi không kịp “đối phó”. Đến nay, những hộ xây dựng, cơi nới “đón” đền bù ở 2 xóm đã lên tới 99% số hộ, trong đó có cả cán bộ, đảng viên. Một trong những nguyên nhân nhân cơ bản là do lực lượng cán bộ, công chức của xã quá mỏng, trong khi chúng tôi phải kiêm nhiệm nhiều việc, mà phần lớn cũng là các công việc có liên quan tới Dự án như: việc làm, môi trường, giải phóng mặt bằng ở những khu vực trọng điểm… Chưa kể, còn các công việc quan thiết khác của địa phương.
Trước tình hình trên, UBND xã Hà Thượng đã có ý kiến đề xuất phương án giải quyết với lãnh đạo huyện và Dự án, dựa trên các quy định của Nhà nước, của tỉnh. Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, chúng tôi rất cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp, ngành và Dự án. Qua trao đổi với các đồng chí lãnh đạo của UBND huyện Đại Từ, xã Hà Thượng và Dự án Núi Pháo đều bày tỏ rõ quan điểm cương quyết, dứt khoát trước việc các hộ dân xóm 3 và 4 xây dựng các công trình trái phép đón đền bù. Mọi việc sẽ được xử lý trên cơ sở các quy định, pháp luật hiện hành của Nhà nước, của tỉnh (Theo Khoản 3, Điều 18, Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ và Điểm b, Khoản 2, Điều 17, Quyết định 01/2010/QĐ-UBND ngày 5-1-2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên).
“Quả bóng” này sẽ bay về đâu khi thời gian vẫn cứ trôi, các hộ dân xóm 3, 4 vẫn đang có nhiều kiến nghị đến NuiPhao Mining, gây lên một áp lực không nhỏ cho Công ty. Những vướng mắc, khó khăn đã quá rõ ràng, nhưng sẽ khó tháo gỡ nếu mọi quyết tâm và cố gắng vẫn chỉ bằng lời nói và trên giấy tờ, văn bản.