“Ốc đảo” xưa… làng sinh thái nay

10:35, 08/12/2015

Mặc dù đã nhận lời mời của ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chi hội trưởng Chữ thập đỏ (CTĐ) cán bộ y tế hưu trí Gang Thép đi tặng quà cho các bệnh nhân tại Khu điều trị (KĐT) phong Phú Bình, song trong tôi vẫn do dự giữa đi hay không đi?

Bởi theo ông Bảo cho biết thì trong chuyến đi này, Đoàn tặng quà (gồm một số hội viên của Chi hội CTĐ cán bộ y tế hưu trí Gang Thép; Câu lạc bộ Sức khỏe Việt thuộc Trung tâm khí công và dạy nghề nhân đạo, Hội CTĐ Hà Nội; Công đoàn Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên) không chỉ đến thăm, tặng quà các bệnh nhân mà con giao lưu văn nghệ và ăn trưa cùng họ.

 

Sự phân vân của tôi không phải không có lý do. Tuy đã biết những nhân bệnh phong ở KĐT phong Phú Bình đã được thanh toán từ năm 2000, hiện nay họ chỉ còn điều trị những di chứng của bệnh như: nhức đầu, sốt, cảm cúm. Song thực tâm, trong ký ức thời niên thiếu về những bệnh nhân phong mà tôi đã đọc qua những cuốn sách được mô tả thật gớm ghiếc, toàn những người bị rụng ngón chân, ngón tay, lở loét đầy mình, người đời phải xua đuổi, ghẻ lạnh, sợ hãi cứ như cuốn phim đang tua lại trong trí nhớ của tôi. Chính vì vậy, tôi có phần nhụt trí. Song, tôi lại muốn đi bởi bao nhiêu năm gắn bó với nghề báo, biết bao chuyến công tác gần, xa từ biên giới đến hải đảo, tiếp xúc với  đủ các đối tượng nhưng quả thực tôi chưa một lần đặt chân tới “ốc đảo” này để xem cuộc sống của những bệnh nhân phong năm xưa, bây giờ ra sao? Chỉ nghĩ đến đó trong tôi lại thôi thúc nên đi một lần để trải nghiệm.

 

Câu chuyện của người y tá năm xưa

 

Tôi cứ nghĩ chuyến đi này chỉ một mình tôi có tâm trạng như vậy. Nhưng không? Trong Đoàn đi cũng có người đến lần đầu, có người đến vài lần nên mỗi người có một suy nghĩ khác nhau. Đặc biệt, có ông Ngô Tuấn Hưởng, hiện đang ở Tổ 23 phường Trung Thành, Thành phố Thái Nguyên- đã từng là y tá đầu tiên của KĐT phong Phú Bình. Ông kể: Sau khi rời quân ngũ ông được chuyển đi học ngành y để nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 1960, ông ra trường và được điều về làm việc tại Ty Y tế Khu tự trị Việt Bắc. Sau đó, Ty Y tế điều ông về KĐT phong Phú Bình cùng với một số y sĩ để thành lập khung y tế (gồm 5 y sĩ và 4 nhân viên) và tiếp nhận bệnh nhân phong. Để động viên, ông và ông Nhâm- Trưởng KĐT phong được Khu tự trị Việt Bắc ưu tiên cấp cho một chiếc xe đạp Thống Nhất và 1 chiếc xe máy Sim-sơn để đi về (vì đường từ KĐT phong về thành phố Thái Nguyên chỉ toàn đi bộ).

 

Mặc dù vậy, ông vẫn không khỏi băn khoăn, bởi lúc đó, ông đang ở tuổi mười chín, đôi mươi, thanh niên chưa có vợ đã phải chôn vùi nơi mà người đời ghẻ lạnh, xa lánh, phải cách ly với xã hội làm cho ông mất ăn, mất ngủ. Ông tâm sự: “Do KĐT mới thành lập nên công việc của chúng tôi là phải đi “thu gom” bệnh nhân ở các tỉnh về tập trung tại KĐT. Cứ Ty Y tế Khu thông báo ở tỉnh nào có bệnh nhân là chúng tôi phải lên đường. Đã là bệnh nhân phong thì đều bị nhốt vào các thung lũng trong rừng sâu nên đi, lại rất vất vả. Đã thế, đi đón bệnh nhân phải đi vào ban đêm, tránh ngã ba ngã bảy, nơi đông dân cư, vì nếu người dân phát hiện sẽ bị xua đuổi. Công việc của chúng tôi cứ hàng ngày lên khám bệnh cho bệnh nhân. Mỗi lần đi khám như vậy chúng tôi phải đi ủng, đi gang tay. Khi vào khám bệnh chỉ nhắc: “Ai ở đâu ngồi yên ở đó”, rồi chúng tôi dùng 1 cái kim buộc trên 1 cái đũa dài hàng gang tay cắm kim vào đường hủi đi để tiêm. Muốn tiêm chính xác chỉ bằng cách hỏi. Nếu người Kinh thì hỏi: “Có đau không”; người dân tộc thì hỏi: Có chắp không? Họ bảo: Mí chắp (không đau) thì biết được đường hủi đi để chọc kim vào.

 

Mỗi lần như vậy, trở về nhà, phải tắm đến 4,5 lần, mùa đông nước giếng lạnh ngắt, không có nước nóng như bây giờ những vẫn cứ phải tắm mà cảm giác vẫn sợ. Không phải riêng tôi mà các y sĩ khác cũng vậy. Lúc tôi mới đến Khu điều trị cân nặng 58 kg, ở đây  mới được mấy tháng chỉ vì lo sợ mà sụt mất 6, 7 kg. Sau hơn 1 năm, do tôi quá gầy yếu lại chưa có vợ con nên Ty Y tế đã điều tôi về Công ty Gang Thép Thái Nguyên làm cán bộ y tế. Lúc đó, không riêng chúng tôi sợ đâu mà người dân ở đây cũng rất sợ. Suốt ngày, cán bộ KĐT phong và người dân chỉ ngồi sử kiện, vì những bệnh nhân phong ra quán ăn uống, ăn xong họ bỏ tất chân ra, người dân thấy cụt hết ngón chân, máu tứa ra, ai cũng sợ rồi lại một cuộc đuổi đánh người bệnh tán loạn. Có lần, nguyên Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch đến thăm, bệnh nhân đã “tố” chúng tôi “sợ bị lây”, Bộ trưởng đã chứng minh cho chúng tôi thấy rằng: bệnh phong tỷ lệ lây lan rất thấp nên không đáng ngại, rồi Bộ trưởng cho các bệnh nhân phong ngồi lên ô tô, ôm cổ bá vai mình như những người thân.

 

Đến làng sinh thái hôm nay

 

Câu chuyện của ông Ngô Tuấn Hưởng đã cuốn hút chúng tôi làm cho quãng đường từ thành phố đến KĐT phong như ngắn lại. Loáng một cái KĐT đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Chị Nguyễn Thị Kim Thu ở Đoàn Hà Nội thốt lên: “Đẹp và yên bình quá, như một khu sinh thái vậy!”. Quả thực, khác với hình dung của tôi về một “ốc đảo” dành riêng cho những người bệnh phong, thì nơi đây cũng bình dị, gần gũi như bao làng quê khác. Trước mắt tôi là những hàng tre gió thổi lao xao; xa xa những dãy nhà tập thể ngay ngắn ẩn hiện trong những tán cây xanh; bên bờ ao là những luống rau xanh đủ loại, các bà, các ông tíu tít với các công việc: người tưới cây, người bắt sâu, người nhặt cỏ trông thật đầm ấm. Xung quanh KĐT, người dân ở quây quần, cây trái xum xuê; gà thả đầy vườn…

 

Đến gần cổng, chúng tôi bắt gặp từng tốp học sinh đi lại tấp nập. Cái quán nước ven đường phục vụ những đồ dùng thiết yếu không phân biệt người trong Trại hay người dân địa phương. Vừa nhìn thấy chúng tôi ông Phạm Ngọc Hải, Trưởng Ban Quản trị KĐT và một số bệnh nhân ra tiếp đón chúng tôi tay bắt, mặt mừng. Ngay cả ông Ngô Tuấn Hưởng, người từng sợ hãi những bệnh nhân này là thế mà giờ đây không còn ngại ngần bắt tay họ thật thân thiết, mặc dù những bệnh nhân ấy, bàn tay ngón còn, ngón mất.  

 

Ông Phạm Ngọc Hải cho biết: “Cuộc sống của những bệnh nhân phong ở đây đã khác xưa rất nhiều. Người dân ở các làng lân cận không còn kỳ thị, xa lánh họ nữa. Người dân trong KĐT và người dân địa phương đã sống hòa hợp, đoàn kết. Mỗi khi có cụ nào qua đời, người dân địa phương đều vào đưa tiễn các cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đã có nhiều cháu lấy chồng, lấy vợ là người dân địa phương. Đặc biệt, từ năm 2013, mỗi đứa trẻ sinh ra đều được khai phần “Nơi sinh” là:  xóm Trạng Đài, xã Tân Kim, huyện Phú Bình (trước ghi là KĐT phong Phú Bình). Con em của họ đã đi học tại các trường học ở địa phương. Hàng ngày, các cháu học sinh bên ngoài vẫn vào đây giao hữu cầu lông với con cái của các bệnh nhân trong KĐT”.  Có người đã khỏi bệnh, gia đình đón về cũng không muốn rời xa. Có người đã nên duyên vợ chồng, con cháu đề huề. Thật may, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Nhị đang trên đường đi nhận quà về. Bà dừng chân trò chuyện với tôi thật cởi mở. Bà bảo: Quê tôi ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, còn chồng tôi là Hoàng Trọng Cay quê ở Thanh Oai (Hà Nội). Tôi và ông nhà tôi đến đây từ năm 1965. Thế rồi hai người lấy nhau vào năm 1970. Chúng tôi sinh được 1 con trai. Sau đó cháu đã lấy vợ người bên Hà Châu cùng huyện, nay đã có 1 con gái học lớp 9 và 1 con trai đang học lớp 5. Hiện các con, cháu của tôi sống ở trong làng bên kia đường. Hàng ngày ông, bà vẫn thay phiên nhau sang cơm nước cho các con, cháu.   

 

Chúng tôi được biết, hàng năm, KĐT phong có tới hàng trăm đoàn trong và ngoài tỉnh đến thăm, tặng quà, nhưng sự chia sẻ ấy mới chỉ bù đắp một phần về đời sống vật chất, tinh thần của những bệnh nhân nơi đây. Bởi chế độ được Nhà nước cho mỗi tháng chỉ có 450 nghìn đồng/ người. Hầu hết các cụ đều là những người cao tuổi (có 84 cụ tuổi từ 60 đến 90), có thâm niên ở KĐT đã mấy chục năm, nhiều người còn không nhớ nổi mình quê ở đâu? Người thân ai còn ai mất? Điều chúng tôi cảm nhận được khi đến đây là thấy ai cũng khỏe mạnh, lạc quan và yên tâm với cuộc sống hiện tại, song cũng phần nào hiểu được cái mà họ cần chính là sự yêu thương, cảm thông, sẻ chia của mọi người để cuộc sống của họ thêm phần ấm áp và đi nốt quãng đời còn lại.