Ấm lòng gia đình người có công với cách mạng

08:54, 28/01/2016

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hàng vạn những người con ưu tú của quê hương Thái Nguyên đã lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhiều người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc; nhiều người trở về nhưng thân thể không còn lành lặn hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam… Để tri ân người có công (NCC) với cách mạng, những năm qua, công tác chăm lo đời sống NCC được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, ngành chức năng đặc biệt quan tâm.

Chúng tôi đến xã Phú Lạc - xã còn nhiều khó khăn của huyện Đại Từ, trong những năm qua, cấp ủy chính quyền xã luôn quan tâm và thực hiện rất tốt công tác chính sách thương binh, liệt sĩ, chính sách hậu phương quân đội cho hơn 145 đối tượng NCC. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách đã được xã thể hiện bằng nhiều hình thức đa dạng. Hằng năm, nhờ vận động quyên góp từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, các cơ quan đóng trên địa bàn và nguồn ngân sách của địa phương, xã đã đầu tư xây mới hàng chục ngôi nhà tình nghĩa và tổ chức thăm hỏi, tặng quà hàng trăm gia đình NCC…

 

Qua lời giới thiệu của chính quyền địa phương, chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Bích Phẩm là vợ của liệt sĩ Trần Văn Thi (ở xóm Đồng Tiến, xã Phú Lạc) - một trong những đối tượng chính sách được các cấp, ngành hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà tình nghĩa năm 2015. Tiếp chúng tôi trong căn mới xây, bà Phẩm đã không giấu được cảm xúc: “Từ nay, gia đình tôi sẽ không còn phải sống trong cảnh mưa dột gió lùa nữa. Có căn nhà này rồi, tôi yên tâm chăm lo ổn định đời sống và sản xuất”. Chia tay bà Phẩm, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Văn Trọng (xóm Bình Khang, xã Bình Thuận). Năm 2015, ông Trọng cũng được các cấp, ngành hỗ trợ hơn 20 triệu đồng để sửa chữa ngôi nhà. Ông Trọng là cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ. Kết thúc chiến tranh, ông trở về địa phương mang trong mình thương tật 61% và ảnh hưởng của chất độc da cam. Gia đình lại không có thu nhập ổn định nên mọi chi phí đều phụ thuộc vào tiền chế độ của ông. Vì thế, khi được nhận hỗ trợ tiền sửa nhà, ông Trọng phấn khởi lắm: “Đối với gia đình tôi, căn nhà được hỗ trợ sửa chữa cho chắc chắn hơn là đáng quý rồi. Ngày trước, căn nhà này hư hỏng rất nhiều, ngày nắng thì không sao chứ mưa là dột khắp nơi. Nếu không có sự giúp đỡ, quan tâm của các ban, ngành, chính quyền địa phương thì không biết khi nào chúng tôi mới sửa được nhà”.

 

Còn ở Huyện Định Hóa có hơn 1.600 đối tượng thuộc gia đình chính sách. Thời gian qua, việc xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và coi là một nội dung quan trọng,nét đẹp trong đời sống của nhân dân địa phương. Từ năm 2013 đến nay, huyện đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 800 triệu đồng. Từ nguồn quỹ có được, huyện đã phối hợp với nhiều nhà tài trợ hỗ trợ sửa chữa hơn 200 nhà tình nghĩa; thăm hỏi, khám, chữa bệnh cho 50 đối tượng với kinh phí hơn 70 triệu đồng; tu bổ, nâng cấp, xây mới nghĩa trang liệt sĩ với số tiền gần 100 triệu đồng... Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện đã trở thành nét đẹp truyền thống được nhân dân địa phương ủng hộ nhiệt tình. Vào các dịp lễ, Tết Âm lịch, Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27 -7)…, đại diện cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đều tới hỏi thăm, chia sẻ với các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, dọn dẹp và viếng các nghĩa trang liệt sĩ. Cầm trên tay món quà Tết sớm cùng những lời hỏi thăm ân cần, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tý, sinh năm 1922 (xã Trung Lương, huyện Định Hóa) đã xúc động: “Tôi rất vui và cảm động khi được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong những ngày sắp Tết, những lời động viên, hỏi thăm chính là động lực giúp những người mẹ có con hy sinh nơi chiến trường vơi bớt những mất mát do chiến tranh gây ra…”.

 

Hiện nay, tỉnh ta đang quản lý trên 130.000 NCC. Và để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với NCC, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các huyện tập trung thực hiện tổng rà soát chính sách NCC; tham mưu công tác phục vụ thăm, tặng quà NCC. Năm 2015, Sở đã giải quyết, xác lập 325 hồ sơ mới hưởng trợ cấp một lần cho NCC với cách mạng, giải quyết trên 5.000 trường hợp nhận trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, trình UBND tỉnh hơn 11 nghìn đối tượng hưởng BHYT. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27 -7)…, Sở trao tặng hơn 84 nghìn suất quà trị giá 16 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách. Theo ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: “Chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, NCC là tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm của toàn xã hội. Và hiện tại, Sở đang tiến hành điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trên địa bàn tỉnh... Để mang đến cho gia đình NCC một cái tết ấm cúng trong dịp Tết Bính Thân năm 2016, Sở có kế hoạch viếng thăm các nghĩa trang liệt sĩ, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và tặng 45 suất quà trị giá 54 triệu đồng cho NCC trên địa bàn tỉnh… Những hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” sẽ góp phần xoa dịu những mất mát, đau thương mà chiến tranh gây ra, khơi dậy và phát huy tốt truyền thống, đạo lý của dân tộc trong tầng lớp nhân dân”.