Báo động tình trạng mất an toàn thực phẩm

08:31, 16/01/2016

Mấy tuần gần đây, trên các phương tiện phương tiện thông tin đại chúng đăng tải khá nhiều thông tin xung quanh vấn đề an toàn thực phẩm. Không chỉ rau, củ, quả, thịt, cá mà cả thuốc men các loại, thực phẩm chức năng xuất hiện khắp nơi từ Bắc chí Nam, từ miền núi đến miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn. Thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại đã xuất hiện tràn lan và đang làm tổn hại sức khỏe, đe dọa tính mạng của người dân hiện không chỉ còn là lời cảnh báo, bởi quy mô, cấp độ nguy hiểm của nó đang ngày càng gia tăng, khó kiểm soát.

Dư luận rất bất bình khi biết sự kiện hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi có chứa chất độc bởi đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an.

 

Với cụm từ "kinh hoàng thực phẩm bẩn", chúng ta có thể bắt gặp hàng nghìn kết quả trên trang tìm kiếm google chỉ sau vài giây khiến những ai yếu bóng vía có thể trở nên sợ hãi và không dám dùng thực phẩm nếu chưa biết rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng thì quá hoang mang, không thể phân biệt đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch.

 

Có thể nói, thực phẩm bẩn đã và đang trở thành "đại nạn" trong cả nước. Vì lợi nhuận, họ có thể bất chấp tất cả, kể cả tính mạng con người. Quả thật, đây là những con người vô lương tâm, coi đồng tiền trên hết. Chỉ vì những đồng tiền bất chính mà họ kiếm được qua những chiêu trò "khủng khiếp", vô hình chung những con người Việt Nam ta đang tự đầu độc nhau, họ đang giết dần, giết mòn cả một thế hệ.

 

Không ai có thể tưởng tượng những chiếc xúc xích thơm ngon bán trong nhiều hàng quán lại được làm từ da gà, lòng lợn thối; những chiếc đùi gà bợt bạt, xanh lè được tẩm ướp, chế biến thành món gà rán; những nải chuối chín vàng được tẩm đẫm hóa chất...

 

Thậm chí, có vụ việc khi bị phát hiện, nhiều người vẫn không thể tin tại sao lòng lợn thối, phân heo lại có thể được chế biến thành… cao chữa bệnh với rất nhiều công dụng như chữa bệnh yếu sinh lý, hiếm muộn, có tác dụng làm trắng da?! Rồi ngay đến cả đồ uống cũng không nằm ngoài “đại dịch” nhiễm hóa chất độc hại. "Ăn uống gì cũng sợ" giờ đây không còn là nỗi lo riêng của các bà nội trợ, mà của cả xã hội, vì thức ăn các loại đang đe dọa đến tính mạng của tất cả mọi người.

 

Một số người cứ ngỡ rằng có thể tự bảo vệ được bản thân, gia đình bằng cách mua đồ ngoại nhập hay mua hàng ở các cửa hàng bán thực phẩm sạch, chấp nhận giá cả có thể đắt hơn so với mức giá thông thường. Nhưng thực phẩm ở đó có sạch thật, sản phẩm ngoại nhập có đúng như xuất xứ ghi trên bao bì hay không liệu có ai dám chắc? Chúng ta không còn lạ gì câu chuyện về một số người trồng rau khoanh riêng một khoảnh đất trồng rau sạch để gia đình mình sử dụng, còn rau phun thuốc, rau có bón chất kích thích… thì đem "phục vụ" đồng bào. Tự bảo vệ như thế liệu đã đủ để yên tâm? Như thế cũng mới chỉ được rau, mà muốn tồn tại, họ vẫn phải mua lương thực, thực phẩm khác. Và ai dám chắc những thứ mua về cho gia đình là an toàn khi chính sản phẩm họ đem bán đang chứa mầm mống bệnh tật? Chỉ cần sự thiếu ý thức của một người cũng có thể khiến cho quá trình “tự đầu độc bản thân và đồng loại” diễn ra trên một quy mô rộng, mức độ nguy hại khó lường.

 

Chúng ta không khỏi lo lăng khi trên địa bàn tỉnh mấy tuần gần đây, một số cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, hộ chăn nuôi, kinh doanh thực phẩm... đã bị đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh phát hiện có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không rõ nguồn gốc, không có ngày sản xuất, không hạn sử dụng; có cơ sở sử dụng lợn dịch bệnh để quay phục vụ người tiêu dùng... Và thật đáng buồn khi bị phát hiện và xử lý, họ chỉ coi là mình "đen đủi" khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện. Cá biệt, có người cho rằng nếu kiểm tra, hầu như doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nào cũng “dính”.

 

Gần đây, hiện tượng ngộ độc thực phẩm cũng đang có biểu hiện gia tăng. Quy mô nhỏ thì ngộ độc trong một gia đình, quy mô lớn hơn có thể là ngộ độc trong một trường học, trong một nhà máy... Mức độ thấp thì hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa; mức độ cao hơn là nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo, có thể dẫn đến tử vong. Nhưng, có lẽ điều đáng buồn nhất là chất lượng giống nòi bị ảnh hưởng bởi các chất độc khi ngấm vào cơ thể có thể để lại di chứng, hủy hoại thế hệ sau.

 

Có thể khẳng định, tình trạng mất kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay đang ở trong tình trạng báo động. Đặc biệt là vào dịp lễ, tết, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng đột biến. Người dân mong mỏi và trông chờ vào các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý kiên quyết những cơ sở vi phạm, đồng thời cần có giải pháp tuyên truyền tích cực hơn để giúp người tiêu dùng nhận biết được thực phẩm mất an toàn. 

 

Vẫn biết, các cơ quan chức năng nguồn nhân lực mỏng, chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng chuyên ngành còn bất cập, việc xử phạt chưa đủ tính răn đe… Nhưng vì sự an toàn của mỗi người, mỗi nhà và toàn xã hội, không thể chậm trễ được nữa. Các cấp, các ngành chức năng hãy kiên quyết và mạnh tay trong việc xử lý vi phạm, tương ứng với mức độ nguy hiểm và tác hại khủng khiếp của các sản phẩm độc hại được đưa ra thị trường. Cần coi việc tham gia chống thực phẩm độc hại là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân.