Cần hiểu đúng về vắc xin dịch vụ

11:11, 06/01/2016

Tính đến thời điểm này, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh mới chỉ nhận được 60 lọ vắc xin dịch vụ (5 trong 1 Pentaxim) do Bộ Y tế cung cấp, tương ứng với 60 mũi tiêm. Trong khi đó, nhiều phụ huynh đang có tâm lý chờ vắc xin dịch vụ, việc này sẽ bỏ lỡ thời điểm tạo miễn dịch tốt cho trẻ, làm tăng nguy cơ dịch bệnh quay trở. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần hiểu đúng về vắc-xin và thực hiện đúng lịch tiêm của trẻ.

Nhiều ngày nay, kể từ khi biết thông tin Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh sẽ tiến hành tiêm vắc xin dịch vụ, ngày nào chị Nguyễn Hà My ở tổ 16, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) cũng đến Trung tâm để hỏi thông tin về lịch tiêm vắc xin Pentaxim. Chị My bộc bạch: Con tôi đã quá hạn tiêm vắc xin Quinvaxem nhưng vừa qua xảy ra một số vụ trẻ bị tai biến dẫn đến tử vong sau khi tiêm loại vắc xin này nên tôi khá lo ngại và muốn chờ cho cháu tiêm vắc xin dịch vụ. Cùng chung lo lắng đó, chị Lê Hoài Thu ở tổ dân phố Mỏ Bạch 2, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) than thở: Biết là chờ vắc xin dịch vụ có thể sẽ mất thời gian và nhiều công sức những tôi vẫn muốn con mình được tiêm vắc xin Pentaxim để đảm bảo an toàn thay vì vắc xin Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

 

Trên thực tế, sau một số vụ tai biến dẫn đến tử vong sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem, một bộ phận phụ huynh trên địa bàn tỉnh, nhất là những người ở khu vực trung tâm T.P Thái Nguyên thường chọn vắc xin Pentaxim để tiêm cho con. Mặc dù Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn đều đã giải thích, tuyên truyền rằng bất kỳ loại vắc xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng nặng nhất định vì tiêm vắc xin là quá trình đưa kháng nguyên lạ vào cơ thể. Trên thế giới, một số nước đã sử dụng vắc xin có thành phần ho gà vô bào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và cũng đã ghi nhận những trường hợp phản ứng nặng, thậm chí tử vong sau tiêm.
Giải thích về sự khác biệt của 2 loại vắc xin này, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Cả hai loại vắc xin Quinvaxem và Pentaxim đều phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib. Tuy nhiên, vắc xin Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào (còn giữ nguyên cấu trúc vi khuẩn) gây nhiều phản ứng nhẹ hơn vắc xin dịch vụ có thành phần ho gà vô bào (chọn lọc các kháng nguyên của vi khuẩn). Khi dùng vắc xin toàn tế bào, trẻ có thể bị phản ứng nhẹ như sốt, đau hơn và bị ho hoặc một số biểu hiện nhỏ khác vì cơ thể trẻ rất nhạy cảm, nhưng tác dụng phụ về mặt tai biến tử vong không thể cao hơn vắc xin dịch vụ. Tại Thái Nguyên, từ khi đưa vắc xin Quinvaxem vào Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2010 đến nay, chưa ghi nhận ca tai biến nào gây hậu quả nghiêm trọng hoặc dẫn đến tử vong.

 

Là 1 trong 161 cơ sở tiêm chủng vắc xin Pentaxim do Sanofi Pasteur S.A (Pháp) sản xuất và là đơn vị duy nhất được Bộ Y tế cung cấp loại vắc xin này tại tỉnh Thái Nguyên, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh mới chỉ nhận được 60 lọ vắc xin Pentaxim. Ông Nguyễn Văn Trường cho biết thêm: Hiện nay, Trung tâm đang tiến hành rà soát danh sách những trẻ đã tiêm vắc xin Pentaxim trước đó và sẽ ưu tiên trả mũi cho những trẻ đến kỳ tiêm mũi thứ 2, 3 trước. Đối với những phụ huynh có nguyện vọng tiêm vắc xin Pentaxim cho con, chúng tôi đều đã giải thích, tuyên truyền về việc nên cho trẻ tiêm chủng đúng lịch, đủ số mũi để vắc xin phát huy hiệu quả miễn dịch cao nhất. Và căn cứ theo sự cung cấp của Bộ Y tế, Trung tâm sẽ tiến hành mở đăng ký công khai về việc tiêm vắc xin Pentaxim mũi 1 cho trẻ nếu đủ lượng vắc xin.

 

Trên thực tế, việc các bậc phụ huynh trì hoãn việc đưa con đi tiêm chủng, chờ đợi vắc xin dịch vụ sẽ khiến cho trẻ bị tiêm chủng muộn, tiêm không đủ mũi. Nếu không có miễn dịch bảo vệ chủ động, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh trước khi tiêm chủng và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, phụ huynh có quyền lựa chọn tiêm loại vắc xin nào cho trẻ, tuy nhiên cần lưu tâm đến các thông tin nguồn gốc và chất lượng vắc xin, cũng như kỹ thuật tiêm của người chịu trách nhiệm tiêm cho trẻ. Phụ huynh cần nắm rõ lịch tiêm của trẻ, tuân theo lịch tiêm chủng đã được Bộ Y tế quy định. Nếu trẻ nào đã tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 nhưng sau đó không có để tiêm thì hoàn toàn có thể chuyển sang tiêm vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quinvaxem mà không lo ngại khả năng miễn dịch giảm. Phụ huynh có nhu cầu tiêm cho con tốt nhất nên đến các trung tâm y tế, cơ sở tiêm chủng đã được cấp phép để được tư vấn đầy đủ, không nên tin vào các lời giới thiệu, các loại vắc xin không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuyệt đối không được bỏ tiêm chủng, khiến nguy cơ trẻ mắc bệnh tăng cao và có thể dẫn đến bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.