Cảnh báo đồ ăn vặt ở cổng trường

17:53, 13/01/2016

Mẫu mã, mùi vị hấp dẫn, giá lại rẻ, những đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc đang được bán tràn lan trước cổng trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đây là mỗi đe dọa về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). đã có nhiều học sinh bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện vì ăn quà vặt trước cổng trường.

Ngập tràn đồ ăn vặt

 

Dạo một vòng các trường xung quanh thành phố… không khó để tìm các quán, gánh hàng rong bán đồ ăn vặt cho học sinh. Tại đây rất nhiều các loại kẹo bánh, nước uống không rõ xuất xứ nguồn gốc được bày bán. Trong vai phụ huynh đón con tan học, chúng tôi hỏi chuyện một nữ chủ quán bán hàng trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, chị cho biết: “Tôi bán hàng đã được hơn 5 năm, rất nhiều học sinh đến mua hàng. Cửa hàng có hơn 50 các loại sản phẩm, nhưng các cháu hay ăn sườn bò thơm cay, me Thái, Snack bánh gối…”. Hỏi về địa chỉ lấy hàng, chủ quán cho biết, một số mặt hàng được nhập từ đại lý, có nhiều loại có người mang tận nơi giao bán.

 

Qua quan sát, chúng tôi thấy rất ít các loại kẹo bánh có thương hiệu Việt Nam mà đa phần là những sản phẩm có bao bì in chữ Trung Quốc với nhiều hình thù sặc sỡ. Thấy chúng tôi thắc mắc, chủ các hàng quán cho biết kẹo bánh Trung Quốc thường rẻ, màu sắc lại hấp dẫn nên học sinh ưa thích. Các sản phẩm ở đây thường có giá bằng 1/3 so với giá thị trường, chỉ cần từ 5-10 nghìn đồng là có thể mua được cả chục sản phẩm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các sản phẩm này không thấy tem nhập khẩu, ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng.

 

Cầm trên tay vài túi sườn bò sấy khô có màu đỏ oạch, mỡ bóng nhẫy, thấy chúng tôi có vẻ nghi ngại về chất lượng sản phẩm, chủ cửa hàng gần Trường THCS Chu Văn An nói: “Thịt bò này không chắc làm từ thịt bò thật nhưng vẫn rất thơm ngon, học sinh nào cũng thích ăn. Tôi bán rất chạy, cứ một tuần lại nhập hàng mới một lần nên không sợ hết hạn đâu chú…”. Đứng đợi mua quà trước cổng Trường Tiểu học Đội Cấn, một học sinh cho biết: “Hàng ngày, cháu dành tiền ăn sáng để mua ô mai, thạch với thịt hổ Ka Ka. Thịt hổ vừa rẻ, có vị cay ngọt lạ, nhiều miếng nên chúng cháu có thể chia nhau ăn cùng”. Chúng tôi cũng chọn mua một gói “thịt hổ Ka Ka - đậu nàng hương vị thiên nhiên” của Công ty TNHH Công nghệ Xiyuan Chaoan - Trung Quốc. Mở ra, thịt hổ giống như miếng xốp cắt được tẩm ướp phẩm màu gia vị nồng nặc.

 

Chị Lan Anh, phụ huynh học sinh của Trường Tiểu học Đội Cấn, cho biết: Vẫn biết các mặt hàng đó không có xuất xứ rõ ràng nhưng rất khó cấm được con mình. Mỗi khi bạn bè mua là cháu lại khóc lóc đòi ăn nên tôi cũng đành chiều theo ý cháu…

 

Hiểm họa khó lường

 

Thời gian qua, báo chí và các trang mạng xã hội đã phản ánh hàng loạt những vụ việc liên quan tới đồ ăn vặt cho trẻ nhỏ. Mới đây nhất là trường hợp báo Tiền Phong đưa tin về vụ việc cháu Đ. Th. Tr. M., học sinh lớp 7, Trường THCS số 1 Đồng Sơn (T.P Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) tử vong do ngộ độc thực phẩm (suy đa phủ tạng) khi uống 2 lon nước Rồng Đỏ bán dọc vỉa hè và ăn vặt tại quán đồ ăn nhanh. Hay cách đây 3 tháng, dư luận rất bức xúc khi hàng loạt những hình ảnh về sự mất vệ sinh trước quy trình sản xuất đồ ăn vặt cho trẻ của Công ty Thực phẩm Khai Phong Kinh Tùng (huyện Thông Hứa, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) bị rò rỉ và lan truyền khắp cộng đồng mạng…

 

Trao đổi với chúng tôi Thạc sĩ, bác sĩ Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: “Sản phẩm Trung Quốc bán tràn lan quanh trường học thường có phẩm màu độc hại và không đảm bảo về VSATP. Bởi chúng thường chứa các vi sinh vật khi ăn phải có thể dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, đi ngoài… Nhưng thường các chất sẽ tích tụ lâu ngày trong cơ thể gây ra các bệnh mãn tính như ung thư, suy đa phủ tạng. Từ đầu năm đến nay, tỉnh phát hiện 3 vụ ngộ độc thực thực phẩm tập thể xảy ra với 53 người, trong đó một vụ ngộ độc do ăn phải đồ ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, nhưng may mắn là không có trường hợp nào tử vong”.

 

Cũng theo ông Cảnh, hiện nay, ngành Y tế đã phân cấp quản lý đồ ăn đường phố cho các xã, phường. Thế nhưng, đội ngũ chuyên trách tại các cơ sở còn mỏng và chưa có cơ chế phối hợp, kiểm tra thường xuyên nên khá nhiều hàng quán bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo hoạt động…

 

Mặc dù, đã không ít những vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hại của việc ăn quà vặt trước cổng trường. Thế nhưng, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy một bộ phận không nhỏ các em học sinh vẫn vô tư sử dụng các sản phẩm không đảm bảo chất lượng này. Thiết nghĩ, để tránh xảy những hậu quả nghiêm trọng, các nhà trường cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền cho học sinh về tác hại của các đồ ăn vặt Trung Quốc, chung tay với phụ huynh học sinh quan tâm, quán triệt vấn đề ăn uống, sinh hoạt mỗi khi các em tới trường. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải tăng cường thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.