Khu di tích lịch sử Thanh niên Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng

10:36, 07/01/2016

Tọa lạc trên quần thể đồi Gò Thờ, thuộc xóm Ao Chũng, xã Yên Lãng (Đại Từ), Khu di tích lịch sử Thanh niên Việt Nam gắn với sự kiện Đội thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên ra đời theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và làm lễ xuất quân phục vụ kháng chiến (tháng 7-1950). Tuy nhiên, điều đáng tiếc là công trình này đang bị xuống cấp và dần trở nên hoang phế.

Hoàn thành vào tháng 12-2002, Khu di tích lịch sử Thanh niên Việt Nam là công trình chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII, với tổng mức đầu tư hàng tỷ đồng. Công trình gồm nhiều hạng mục như: Cụm tượng đài truyền thống TNXP Việt Nam, nhà trưng bày, nhà đón tiếp khách, bia đá, tường rào, cổng sắt... được đặt trong một không gian khoáng đạt. Nhưng hiện nay, ngoài cụm tượng đài truyền thống, các công trình còn lại đều không còn nguyên vẹn. Cột điện han gỉ, bóng đèn không còn, dây dẫn điện chôn ngầm cũng bị đào bới cắt trộm. Khu nhà trưng bày, đón tiếp khách cửa đã mục nát, trần nhà bong tróc, thấm nước, nền gạch bị sụt lún... Ông Trương Ngọc Sáng - người được giao nhiệm vụ trông coi di tích cho biết, từ khi nhận bàn giao việc trông coi khu di tích vào năm 2010, các hạng mục ở đây đã xuống cấp và hiện nay càng hư hỏng nghiêm trọng hơn. Sống ngay cạnh cụm di tích, theo trí nhớ của ông Sáng thì sau khi khánh thành được 2 năm, di tích đã bị xâm hại. Trước thời điểm ông nhận trông nom, khu vực này gần như bị bỏ hoang nên một số đối tượng thường xuyên lấy đây làm tụ điểm để hút, chích, đánh bạc...

 

Nói về sự xuống cấp của Khu di tích lịch sử thanh niên Việt Nam, ông Phạm Quang Ổn, cán bộ văn hóa xã Yên Lãng (Đại Từ) cho rằng: Việc quản lý di tích trước kia là do Tỉnh đoàn chịu trách nhiệm, chỉ có một người được giao trông coi, nhưng không được trả lương đều nên họ đã không làm hết trách nhiệm. Hiện nay, đã có Ban quản lý di tích, người trông nom được trợ cấp hằng tháng theo nguồn ngân sách địa phương. Do vậy, nếu khu di tích được trùng tu tôn tạo, chắc chắn việc quản lý sẽ được đảm hơn trước.

 

Khu di tích được xây dựng với ý nghĩa để lưu dấu, nhắc nhở tuổi trẻ nói riêng và nhân dân nói chung về truyền thống Anh hùng cách mạng của một thế hệ thanh niên, góp phần làm rạng danh non sông, đất nước. Chưa nói đến những hư hỏng, xuống cấp của công trình thì việc nhà trưng bày tại đây không có bất cứ tài liệu, hiện vật gì để giới thiệu về di tích, về các sự kiện lịch sử đã diễn ra đã làm cho ý nghĩa giáo dục truyền thống không được như mong đợi. Ông Hà Nhân Thăng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh mong muốn: Nhà nước đã đầu tư kinh phí để xây dựng công trình. Do vậy, cần có cơ chế quản lý và khai thác tốt hơn để giáo dục thế hệ trẻ và phục vụ khách tham quan.