Đi phá lộc làm sao có… lộc

10:57, 02/02/2016

Giao thừa năm nào tôi cũng “bất đắc dĩ” phải chứng kiến một cảnh tượng đau lòng: Hàng trăm người “xâu xé” tàn phá cây cối. Người nào “vớ” được cành to thì hỉ hả lắm, dường như họ cho rằng cành lộc to thì của cải chảy về nhà họ càng lớn.

Nhiều người lại nghĩ, “lộc” đồng nghĩa với… tiền nên ra sức rình rập để bẻ bằng được cây cối ở quanh Ngân hàng, Kho bạc, bất kể đó là cây gì. Thậm chí cây Dã hương cổ thụ cao chục mét ở khu vực Kho bạc Nhà nước vẫn có người giắt dao leo lên chặt. Thương cái cây vừa phút trước xanh tươi mơn mởn thoắt cái thành xác xơ, nhựa chảy thành dòng. Sáng mùng một Tết, thành phố nhem nhuốc do lá rụng tơi bời, phố xá xác xơ.

 

Không biết từ bao giờ, phong tục đón tết của người Việt có tục hái lộc. Trong tiết xuân se lạnh, mưa rây bột lây phây của giờ khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, vợ chồng con cái khăn đóng áo the lên chùa lễ Phật. Ở đó, họ cẩn trọng hái nhành búp nhỏ của một trong 4 loại cây “tứ linh” là Đa, Sung, Sanh, Si, ứng với 4 con vật quý là Long, Lân, Quy, Phượng. Đây cũng là những loại cây có chồi mập, nhiều nhựa, 4 mùa xanh tốt, chịu được nắng mưa. Hái lộc ở những cây này, họ mong muốn gia đình được khỏe mạnh, trường thọ như sức sống mãnh liệt của các loại cây. Trải qua thời gian, hái lộc đã bị “biến tướng” thành phá hoại môi trường như vậy.

 

Lộc không chỉ có nghĩa “đen” là chồi cây. Bất kể cái gì tốt đẹp, tươi tắn nhận được vào giờ khắc đầu năm cũng có thể coi là lộc. Gói bánh, quả cam được tặng, đó là lộc; bỏ tiền ra mua một cành hoa, một cây cảnh, đó là lộc; chút muối, chút gạo mua đầu năm, đó là lộc.

 

Lộc cũng không chỉ đồng nghĩa với tiền bạc, mà còn nhiều biểu dạng khác: thăng tiến, thành đạt, sinh con đẻ cái, học hành, sức khỏe. Ví dụ, con tìm được việc làm tốt, vợ chồng hòa thuận, gia đình có thêm thành viên mới… đó chính là lộc.  Ở góc độ này, lộc đồng nghĩa với niềm vui, hạnh phúc.

 

Từ đó mà suy ra, cái ta đi chụp giật, phá hoại để mang về không thể sinh sôi niềm vui.

 

Đi phá lộc thì làm sao có….lộc.