Nhiều khó khăn trong phòng, chống bệnh lao

14:53, 23/03/2016

Trong giai đoạn từ 2010-2015, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh phát hiện từ 900 đến 950 bệnh nhân lao mọi thể. Trong đó có khoảng 400-500 bệnh nhân có vi khuẩn Lao trong đờm. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ mắc lao tại cộng đồng cao hơn nhiều con số thống kê. Trong khi đó, vấn đề phòng, chống lao vẫn còn nhiều khó khăn cũng như chưa nhận được sự quan tâm thoả đáng từ cộng đồng.

Được biết, hiện nay, vẫn còn một tỷ lệ nhất định những trường hợp bệnh nhân từ chối hoặc tự ý bỏ dở quá trình điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên cũng như trong toàn tỉnh. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra như: kinh tế khó khăn, không có người nhà chăm sóc, quá trình điều trị dài… Một nguyên nhân khác khiến bệnh nhân lao không thể điều trị dứt điểm là do dị ứng với thành phần thuốc hoặc suy gan, thận trong quá trình điều trị.

 

Theo Bác sĩ Hà Thị Ngọc Huyền, Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh: Khó khăn lớn nhất hiện nay trong quá trình điều trị lao là một số bệnh nhân thiếu hiểu biết, trong thời gian đang điều trị nhưng thấy sức khỏe đã ổn định nên đã tự ý bỏ thuốc khiến cho việc điều trị sau này không những gặp khó khăn mà còn tạo điều kiện cho vi trùng lao hình thành khả năng kháng thuốc. Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh kèm theo như tiểu đường, cao huyết áp ngày càng tăng cao khiến quy trình điều trị thêm phức tạp. Thêm vào đó, nhiều bệnh nhân là người nghiện rượu, thuốc lá, thậm chí là ma tuý dẫn đến quá trình hợp tác trong điều trị gặp nhiều khó khăn.

 

Số liệu quản lý bệnh nhân lao mọi thể qua Chương trình phòng chống lao từ năm 2010 đến hết năm 2015 cho thấy, bệnh lao xuất hiện rải rác ở hầu hết các địa phương toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở nhóm đối tượng trong độ tuổi lao động, mức sống thấp, điều kiện sống khó khăn, môi trường sống ẩm thấp, chật chội, những người mắc bệnh suy giảm miễn dịch… Theo bác sĩ Ngô Thị Thu Tiền, Phó Trưởng Trạm chống Lao tỉnh: Hiện nay hoạt động phòng chống lao chủ yếu dựa vào cộng đồng, nòng cốt là mạng lưới phòng, chống lao từ tỉnh đến các thôn xóm bao gồm các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Mạng lưới chống lao trong toàn tỉnh đã được duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả, đáp ứng cơ bản việc khám, phát hiện và quản lý điều trị lao ngay tại cơ sở. Hoạt động chống lao trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, các cấp quan tâm và  triển khai theo đúng quy định của Chương trình chống lao Quốc gia về phát hiện nguồn lây, quản lý điều trị, lao/HIV… Công tác phát hiện nguồn lây được duy trì thường xuyên và có chất lượng tốt. Mỗi năm toàn tỉnh phát hiện từ 900 đến 950 bệnh nhân lao trong đó có khoảng 400 - 500 bệnh nhân lao có vi khuẩn trong đờm, toàn bộ bệnh nhân lao phát hiện được đưa vào điều trị trong Chương trình Chống lao Quốc gia với kết quả khỏi bệnh trên 85%.

 

Tuy nhiên, những năm qua công tác phát hiện nguồn lây vẫn gặp khó khăn bởi nhiều lý do khác nhau như: sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị với bệnh nhân lao, dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Mặt khác, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức chống lây lan cho cộng đồng. Dịch tễ lao vẫn còn cao, số ca bệnh lao đa kháng thuốc có xu hướng tăng do đột biến gen của vi khuẩn lao theo thời gian, số người nhiễm HIV mắc bệnh lao (lao/HIV) có xu hướng tăng cũng làm cho công tác điều trị gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhân lực cho mạng lưới phòng, chống lao hiện nay còn yếu và thiếu, chưa được đào tạo chuyên khoa, thiếu tính ổn định, cán bộ làm công tác phòng chống lao còn kiêm nhiệm nhiều công việc. Hiện nay, nhân lực hoạt động chống lao ở các tuyến vẫn thiếu hụt nghiêm trọng 6 bác sĩ/100.000 dân (trong khi tỷ lệ chung phải là 12 bác sĩ/100.000 dân). Kinh phí cho hoạt động của chương trình phòng chống lao còn hạn chế. Áp lực công việc nặng nề, thời gian điều trị dài... 

 

Lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với cộng đồng, lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp từ các tiếp xúc thông thường như ho, hắt hơi, nói chuyện… Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian. Nguy cơ mắc lao có thể xảy ra với bất cứ người nào, không miễn trừ ai. Vì vậy, để mỗi người hiểu rõ tác hại của bệnh, đi khám phát hiện và điều trị kịp thời, thiết nghĩ, bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ y tế trực tiếp làm công tác phòng chống lao còn cần sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội.