Đó là lời tâm sự của ông Phạm Văn Tuấn, sinh năm 1945, ở xóm Nam Hưng, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), người đã có hơn 11 năm đấu tranh chống tiêu cực ở địa phương. Với ông, ngày nào còn thấy những điều bất công, ông lại tự thấy mình phải có trách nhiệm giúp bà con trong xã đi đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng.
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Phạm Văn Tuấn ở phía cuối con đường của xóm Nam Hưng. Ngôi nhà rộng khoảng 80m2, bên trong treo nhiều loại nhạc cụ, từ đàn Kìm, đàn Nhị cho đến đàn Ghi-ta và đàn Vi-ô-lông... Qua trò chuyện, chúng tôi mới biết, ông Tuấn là nhạc công của Câu lạc bộ Cải lương tỉnh. Không chỉ có tâm hồn nghệ sĩ, ông Tuấn còn rất chịu khó tìm hiểu về luật pháp, dũng cảm đấu tranh làm rõ những sai phạm ở địa phương. Vì thế, người dân gọi ông là “người hùng chống tiêu cực”.
Từ trong ngăn bàn, ông Tuấn lấy ra hàng chục tài liệu, bằng chứng tố cáo những tội trạng của cán bộ xã Tân Cương từ năm 1992. Đầu tiên, ông cho chúng tôi xem văn bản lập Dự án khu trung tâm phố Nam Đồng trái thẩm quyền của UBND xã, cũng từ văn bản này “té nước theo mưa” cán bộ xã Tân Cương đứng ra bán đất ruộng cho 38 hộ dân với số tiền 58 triệu đồng nhưng không công khai quyết toán gây bức xúc trong dân. Không chỉ vậy, ông Tuấn còn phát hiện một số dấu hiệu tham nhũng từ Dự án xây dựng 37km đường bê tông toàn xã do UBND T.P hỗ trợ kinh phí theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, những năm 2003-2005. Sau khi có đơn tố giác về những sự việc này, Đoàn thanh tra liên ngành T.P Thái Nguyên đã về làm việc hơn 3 tháng nhưng “không tìm ra dấu hiệu tham nhũng tiêu cực”. Không nản lòng, ông Tuấn kiên trì gửi đơn tố cáo lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Sau một tháng vào cuộc, Thanh tra tỉnh có kết luận việc bán đất tại trung tâm xã là trái thẩm quyền và thu hồi cho Nhà nước 58 triệu đồng; đồng thời tìm ra một số cá nhân trong Đảng ủy xã Tân Cương “rút ruột” công trình 700 tấn xi măng gần 800 triệu đồng, hiện Công an tỉnh đã có lệnh khởi tố vụ án.
Ông Tuấn tâm sự với chúng tôi: “Năm đó, để có những chứng cứ, tài liệu chống tiêu cực, quán nước của gia đình tôi liên tục bị người lạ ném gạch đá, vợ con thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại đe dọa, báo tin tôi bị tai nạn... Thậm chí, người cung cấp thông tin cho tôi cũng bị kẻ xấu đổ nước tiểu, thuốc sâu, phân trâu vào nhà. Vì thế, liên quan đến lợi ích của nhiều người, động chạm đến thể diện, uy tín của cán bộ xa, không phải ai cũng dám sát cánh cùng tôi đứng lên đấu tranh”. Không chỉ vậy, thời điểm đó, ông Tuấn còn bị người dân thóa mạ là kẻ “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, không biết mình là ai để rồi tự chuốc họa vào thân; bị cán bộ địa phương xếp vào những phần tử gây rối, kích động, lôi kéo nhân dân chống phá cán bộ xã. Và để có tiền đấu tranh cho lẽ phải, gia đình ông còn phải bán cửa hàng nước ở mặt đường chuyển vào trong xóm sinh sống. Khó khăn là thế, nhưng vốn “mắc nợ với công lý” nên ngày nào chưa tìm ra lẽ phải thì tâm hồn ông còn day dứt. Và thay vì chọn sống an hưởng bình yên, ông Tuấn lại rong ruổi trên dặm đường đấu tranh cho lẽ phải. Hàng ngày, ông bỏ mặc quán xá cho vợ con trông nom, rong ruổi hết trong xóm, ngoài phố ghi chép, thu âm, tổng hợp chứng cứ để bóc trần những sai phạm của cán bộ xã. Ông liệt kê những lô đất mà cán bộ xã bán sai đối tượng hưởng lợi 46ha đất ở xóm Soi Vàng, những cán bộ rút “ruột” hàng trăm tấn xi măng trên 37km đường bê tông toàn xã; vạch mặt chỉ tên bà Nguyễn Thị Học; ông Dương Văn Thọ cố tình khai man lý lịch để nhận tiền thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ; hưởng tiền lương hưu; và những bộ đội phục viên lành lặn bỗng chốc trở thành thương binh…
Khi chúng tôi hỏi về động lực giúp ông đương đầu với khó khăn, “người hùng” Tân Cương trả lời với giọng điệu đầy lạc quan: “Tôi luôn trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Nhà nước”. Và niềm tin đó không những giúp ông vượt qua những hiểm nguy, khó khăn mà còn tìm lại sự công bằng cho cho xã hội. Tháng 10-2011, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra hàng loạt quyết định đình chỉ và buộc phải hoàn trả chế độ ưu đãi thương binh đối với các ông Ngô Đại Dương và Phạm Đức Tân; tháng 11-2013, UBND T.P Thái Nguyên có Quyết định số 9565 về việc thu hồi tiền lương hưu là 93 triệu đồng hưởng sai quy định suốt 27 năm của ông Dương Văn Thọ; thu hồi 13 huân, huy chương kê khai thiếu chính xác. Năm 2014, nguyên Chủ tịch UBND xã Vương Sỹ Tạo bị phạt 2 năm tù vì hành vi bán đất công lấy tiền bỏ túi…
Ước tính, sau hơn 10 năm tố cáo các vụ việc tiêu cực và được cơ quan thanh tra kết luận chính xác, ông Phạm Văn Tuấn đã giúp Nhà nước thu hồi và tránh thất thu số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Bởi thế, năm 2012, ông đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh xem xét, khen thưởng. Năm 2014, ông tiếp tục được Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xác nhận và đề nghị khen thưởng theo Công văn số 2835. Năm 2015, UBND tỉnh có 4 công văn yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp với UBND T.P Thái Nguyên tiến hành làm thủ tục khen thưởng đối với ông Tuấn vì đã có những thành tích chống tiêu cực tại địa phương. Thế nhưng, Hội đồng Thi đua khen thưởng xã Tân Cương lại xét thống nhất không đề nghị khen thưởng đối với ông Phạm Văn Tuấn với lý do ông không đạt gia đình văn hóa, chưa phải là tấm gương tiêu biểu chống tham nhũng để nhân dân và quần chúng học tập… Đáng nói, việc giải quyết khen thưởng này phụ thuộc vào báo cáo ở cấp cơ sở là xã Tân Cương, do ông Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng - người đã và đang bị ông Tuấn tố cáo vì có hành vi tham nhũng và bao che chống tham nhũng. Vậy, điều này có đảm bảo khách quan?!.
Chính việc Hội đồng thi đua khen thưởng xã Tân Cương không đề nghị khen thưởng vô hình trung đã gạt bỏ mọi công lao của ông Tuấn. Vì thế, đến nay, không chỉ riêng bản thân ông mà hơn 6.000 người dân xã Tân Cương đang mong chờ quyết định giải quyết triệt để về việc xét thi đua khen thưởng đối với ông Tuấn. Bởi với những kết quả ông làm được là những minh chứng rõ nhất về sự nỗ lực, ý chí quyết tâm trên con đường loại bỏ tham nhũng; đặc biệt giúp người dân Tân Cương tin tưởng về ông cũng như có thêm niềm tin vào lẽ phải, hy vọng vào ngày mai tốt đẹp.