Chủ quan với bệnh dại, hậu quả khôn lường

08:45, 07/04/2016

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 3 ca tử vong do bệnh dại (chiếm ¼ trong tổng số người tử vong do bệnh dại trên toàn quốc). Những trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi điều trị dự phòng sau phơi nhiễm mà tự chữa trị. Việc người dân thường nuôi chó thả rông và không tiêm phòng bệnh dại cho chó đã dẫn đến nguy cơ cao chó mắc bệnh dại.

Người dân còn thờ ơ với bệnh dại

 

Ông Sùng Văn Tu, 63 tuổi, người dân tộc Mông ở xóm Kim Sơn, xã Thần Sa (Võ Nhai) là một trong những trường hợp đã tử vong do bệnh dại. Được biết, vào tháng 12-2015, ông Tu bị một con chó thả rông cắn 2 vết trên cơ thể. Sau đó, người dân xung quanh đã đập chết con chó đó. Mặc dù nghi ngờ con chó mắc bệnh dại nhưng gia đình vẫn không đưa nạn nhân đến cơ sở y tế hay thông báo cho chính quyền địa phương mà tìm đến một thầy lang để chữa. Giữa tháng 3-2016, ông Tu có những biểu hiện bất thường về sức khoẻ, lúc đó gia đình mới đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nhưng đã quá muộn.

 

Còn ở tổ dân phố Xộp, phường Lương Sơn (T.P Sông Công), kể từ khi em Trần Văn Mạnh, 8 tuổi tử vong do bệnh dại, nỗi đau vẫn bao trùm lên căn nhà nhỏ. Nhìn tấm ảnh tươi cười của Mạnh trên ban thờ, nhiều người dân không khỏi xót xa. Được biết, không chỉ Mạnh mà cả bà nội em và người chủ của con chó đó cũng bị cắn. Tuy nhiên, không ai đi tiêm phòng. Chỉ đến khi em Mạnh tử vong do bệnh dại, 2 người còn lại mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng bệnh dại.

 

Qua tìm hiểu thực tế, cách xử lý phổ biến của người dân khi bị chó cắn thường là đập chết chó hoặc đuổi đi. Còn ở một số nơi, khi bị chó cắn, người dân thường dùng dao rạch vào vết thương rồi nặn máu ra hoặc lăn đất lên vì cho rằng đó là phương pháp loại bỏ nọc độc. Biện pháp phản khoa học này rất dễ dẫn đến nhiễm trùng gây nguy cơ uốn ván. Ngoài ra, trong dân gian vẫn truyền miệng một số bài thuốc nam, lá cây mà theo quảng cáo là “chỉ cần đắp vào vết thương vài ngày là không lo bị bệnh dại”.

 

Tiêm vắc xin/huyết thanh là biện pháp hữu hiệu

 

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã có 3 ca tử vong do bệnh dại và 1.529 người phải điều trị dự phòng sau khi phơi nhiễm với bệnh dại. Số liệu thống kê về bệnh dại trong giai đoạn 2011- 2015 của toàn tỉnh cho thấy, số người phải điều trị phơi nhiễm với bệnh dại liên tục tăng qua các năm và 3 năm trở lại đây, tỉnh ta đều có người tử vong do bệnh dại. Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, số lượng người đến tiêm vắc xin phòng dại tại Trung tâm giảm so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, số lượng người phải tiêm huyết thanh kháng dại do bị chó cắn lại tăng cao.

 

Mặc dù ở tất cả 180/180 xã, phường đều có các điểm tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, tỷ lệ đàn chó được tiêm vắc xin phòng dại hàng năm chỉ đạt từ 40-65%.

 

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh khẳng định: Bệnh dại do vi-rút dại cổ điển gần như gây tử vong 100% trên người. Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, tiêm vắc xin/huyết thanh phòng dại là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống bệnh dại khi bị chó, mèo hoặc động vật nghi ngờ bị dại cắn. Trong những trường hợp thông thường, vắc xin/huyết thanh phòng dại có tác dụng hiệu quả trên 99% phòng bệnh dại. Khi bị chó, động vật cắn cần phải xem đó là trường hợp cấp cứu, trước hết là rửa thật kỹ vết thương dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục trong 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Sau đó, bệnh nhân cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt. Người dân không nên tin vào các cách chữa mẹo, bài thuốc dân gian chưa được khoa học chứng nhận mà nên đến các cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó, mèo hoặc động vật nghi ngờ bị dại cắn. Sau khi bị chó cắn, cần phải theo dõi con chó cắn người trong thời gian 10 ngày sau khi bị cắn để thông tin cho bác sĩ và được tư vấn những bước điều trị phù hợp.