Ngay lần đầu gặp, chị đã để lại trong tôi cũng như nhiều người một ấn tượng dễ mến bởi nụ cười hồn nhiên thường trực, khuôn mặt tươi như sắc hoa rừng và cử chỉ thân thiện, gần gũi khi tiếp xúc. Chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tặng nhiều Bằng khen vì có thành tích thực hiện xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội, và là đại biểu người dân tộc thiểu số tham dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV, năm 2015. Đó là chị Đặng Thị Hoa, dân tộc Dao, ở xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh (Phú Lương).
Chị sinh ra ở vùng quê núi nhiều, suối lắm. Từ thuở xưa, các cụ trong vùng đã biết lấy lá cây, rễ cỏ trên núi về làm thuốc chữa bệnh cứu người. Chính bản thân chị Hoa cũng không biết mình là đời thứ bao nhiêu được các cụ truyền dạy cho cách lấy cây thuốc Nam. Chị chỉ nhớ là từ lúc bé đã theo ông bà, cha mẹ đi rẫy, hôm nào về cũng nhặt theo cả túi thuốc khoác nặng vai. Khi lớn hơn, bắt đầu biết cầm tay xem mạch, cha mẹ chị dạy: Làm nghề gì cũng cần lấy đức làm đầu, nhất là nghề chữa bệnh giúp người.
Làm lương y, chị không cầu tiền bạc từ bệnh nhân, chỉ cốt mong bà con khoẻ mạnh. Nhiều bệnh nhân nghèo mắc các bệnh gan, thận, dạ dày, xương khớp… được chị chữa khỏi nhưng không lấy tiền công. Trong cuộc sống hằng ngày, chị coi các cụ già trong vùng như ông bà, cha mẹ mình, nên thường giúp khám bệnh, cắt thuốc bổ, dặn dò tỉ mỉ cách sắc thuốc, sử dụng thuốc hiệu quả. Cụ Triệu Văn Sinh, 80 tuổi, ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Nhờ chị Hoa, nhiều bà con đau ốm không phải giết lợn, mổ gà cúng ma, tôi và nhiều người khác đã nhờ chị mà khỏi bệnh, được sống vui, sống khoẻ. Còn bà Triệu Thị Thanh, hội viên của Chi hội Phụ nữ xóm Suối Bốc, cho biết: Chị Hoa năng động, nhiệt tình, luôn sống hết lòng vì mọi người. Ngay như gia đình tôi cũng thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của chị và bà con chòm xóm. Chúng tôi biết chị Hoa làm công việc đó không phải để toan tính mưu lợi gì cho cá nhân, mà xuất phát từ truyền thống giáo dục của một gia đình, dòng tộc làm nghề lương y. Chính vì thế, chị được bà con quý mến, bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Hội LHPN xã; Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm và làm Phó Chủ tịch Hội Đông y xã Yên Ninh.
Năm 2003, khi chị em trong Chi hội Phụ nữ “quàng lên vai” trọng trách Chi hội trưởng, chị băn khoăn: Mình phải làm như thế nào để vừa duy trì được nghề chữa bệnh bằng thuốc Nam, lại vừa làm tốt chức trách của người Chi hội trưởng. Việc đầu tiên chị làm là củng cố lại tổ chức Chi hội, xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp với phong tục tập quán của người dân tộc Dao ở từng lĩnh vực như: Vận động chị em trong độ tuổi tham gia thực hiện kế hoạch hoá gia đình; không tảo hôn; không sinh con thứ 3 trở lên; tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hoá; tuyên truyền về bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình; tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương. Thiết thực, gần gũi hơn là việc vận động hội viên (HV) tự giúp nhau xoá đói, giảm nghèo. Chị cho biết: Trong số gia đình những HV có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tôi cùng chị em phân ra từng loại: khó khăn vì thiếu sức lao động; thiếu vốn đầu tư sản xuất; thiếu đất canh tác hoặc vì lười lao động mà nghèo, từ đó phân công cho những HV có uy tín trực tiếp giúp đỡ. Bản thân tôi cũng tham gia giúp đỡ một số gia đình HV. Hằng tháng, vào buổi họp Chi hội, các HV được phân công giúp đỡ có trách nhiệm báo cáo đã giúp như thế nào; sự chuyển biến về nhận thức của gia đình HV được giúp đỡ ra sao. Thông qua hoạt động giúp đỡ nhau, các HV trong Chi hội có điều kiện gần gũi, chia sẻ tâm tư, tình cảm, khuyến khích nhau vươn lên trong cuộc sống.
Với chị em dân tộc Dao xóm Suối Bốc, chị Hoa được ví như tấm gương để mọi người soi chung. Nhiều gia đình HV được chị giúp vốn; ngày công lao động, kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình đã từng bước thoát nghèo. Nhưng khi được hỏi về số HV và người dân trong vùng được giúp đỡ, chị khiêm tốn, bảo: Đó là việc nên làm, song quan trọng là thông qua phong trào, mình lôi kéo được nhiều người cùng vào cuộc, tham gia giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Cụ thể là hằng năm, HV trong Chi hội tự cho nhau vay không lấy lãi từ 15 đến 20 triệu đồng/năm. Với điều kiện kinh tế của bà con người Dao xóm Suối Bốc, thì đó là một khoản tiền vốn không nhỏ.
Cùng giúp đỡ tiền vốn, mỗi năm Chi hội có hàng trăm ngày công lao động giúp đỡ gia đình HV neo đơn, thiếu sức lao động công việc gieo cấy, thu hoạch mùa vụ. Gần đây nhất, HV trong Chi hội tham gia được 18 công lao động giúp đỡ gia đình chị Đặng Thị Oanh vận chuyển vật liệu xây dựng; nhiều gia đình HV neo đơn khác được giúp đỡ ngày công trồng rừng, thu hái chè và sản xuất vụ xuân, bà Hà Thị Thịnh, HV được giúp đỡ bằng phân bón phục vụ sản xuất và bà Bàn Thị Hội, HV được giúp đỡ lương thực từ “Hũ gạo tiết kiệm” của Chi hội đều có chung nhận xét: Chị Đặng Thị Hoa là cán bộ tâm huyết, sống gần gũi, thân thiện, luôn hết lòng vì mọi người, được nhân dân trong vùng quý mến.