Thời gian qua, hệ thống y tế trong toàn tỉnh đã được rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tiết kiệm; cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực nâng lên; công tác phòng, chống dịch bệnh thực hiện hiệu quả… Nhờ vậy, các chỉ tiêu tổng quát về sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên, đạt mức cao so với các địa phương trong khu vực miền núi phía Bắc. Những kết quả bước đầu đó tạo tiền đề để ngành Y tế Thái Nguyên thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn tiếp theo.
Ba đột phá ngay từ đầu nhiệm kỳ
Trong khi nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và là yếu tố sống còn của mỗi đơn vị thì từ nhiều năm nay, ngành Y tế Thái Nguyên vẫn phải đối mặt với bài toán thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt (như dành chỉ tiêu biên chế chỉ để tuyển dụng bác sĩ; chỉ đạo xây dựng cơ chế đãi ngộ để thu hút, giữ chân cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, tạo điều kiện tối đa để các bác sĩ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với đơn vị…), từ tháng 11-2015 đến nay, ngành Y tế đã thu hút được thêm 27 bác sĩ. Hiện nay, số bác sĩ trong toàn tỉnh là 1.428 người, tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân, đạt 11,94 (gấp gần 1,5 lần so với trung bình cả nước). Cùng với đó, ngành Y tế cũng tăng cường hình thức đào tạo “cầm tay chỉ việc” và hợp đồng đào tạo chuyển giao kỹ thuật theo ê kíp với các bệnh viện tuyến Trung ương. Hiện nay, các bệnh viện trong tỉnh đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật cao, trong đó có một số kỹ thuật lần đầu tiên được triển khai ở khu vực miền núi phía Bắc như: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên thực hiện thành công ba ca ghép thận; Bệnh viện A lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; Bệnh viện C được Bộ Y tế cấp phép thực hiện phẫu thuật bằng dao Gamma trong điều trị ung bướu từ vùng bụng trở lên; kỹ thuật đặt stent lồng ngực, phẫu thuật tim hở…
Bên cạnh công tác chuyên môn, vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng y tế cũng được Ngành quan tâm đẩy mạnh. Bởi một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh chính là xây dựng, nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các cơ sở y tế khám chữa bệnh. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm đã được ngành Y tế xác định và tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện trong toàn ngành. Ngành đã chủ động tham mưu cho tỉnh tập trung nguồn lực để đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị khám chữa bệnh theo hướng hiện đại, liên hoàn tạo thuận lợi cho người bệnh đến khám và chữa bệnh, như: cải tạo, nâng cấp và mở rộng Trung tâm Y tế thị xã Phổ Yên, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh, Bệnh viện A… Bên cạnh đó, ngành cũng đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu, công nghệ cao: máy chụp cắt lớp 64 giây, máy chụp X-quang PET/CT giúp phát hiện ung thư sớm, buồng ô xi cao áp…
Trong bất kỳ ngành nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp nhưng trong ngành Y tế, vấn đề y đức phải được đặt lên hàng đầu vì đặc thù công việc liên quan đến tính mạng và sức khỏe nhân dân.
Ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Hiện nay, “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” không chỉ là một cuộc vận động mà đã đi vào ý thức của từng cán bộ trong Ngành. Các cán bộ y tế đã thay đổi từ thái độ “ban ơn” sang “phục vụ” người bệnh, quy trình khám chữa bệnh được rút gọn, thời gian khám bệnh cũng được rút ngắn hơn so với trước đây. Qua những lần thăm dò, khảo sát ý kiến người dân, có thể thấy những bước chuyển biến rõ rệt về y đức cán bộ, công chức, viên chức và lao động trong toàn ngành Y tế. Kết quả khảo sát nội bộ của một số Bệnh viện lớn trong tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A, Bệnh viện C, Bệnh viện Gang thép… đều có trên 80% người bệnh hài lòng với chất lượng dịch vụ y tế.
Hiện thực hóa những mục tiêu lớn
Với vị thế là trung tâm của vùng Việt Bắc cũng như đòi hỏi ngày càng cao do sự gia tăng dân số, phát triển kinh tế - xã hội, công tác y tế được tỉnh ta đặc biệt coi trọng. Tỉnh chủ trương quan tâm triển khai phát triển sự nghiệp y tế, đẩy mạnh việc áp dụng những kỹ thuật tiên tiến trong khám chữa bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị và chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Để đạt được mục tiêu đó, theo ông Nguyễn Vy Hồng, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt những chương trình, dự án đã được tỉnh phê duyệt như: Đề án phát triển y tế chuyên sâu tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020; Đề án duy trì và mở rộng chương trình điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020; chương trình mục tiêu Quốc gia về dân số - Kế hoạch hóa gia đình… Đồng thời, ngành Y tế sẽ tập trung vào một số lĩnh vực “nóng”, được dư luận quan tâm như: an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình…
Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống bệnh viện; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển y tế chuyên sâu; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đi kèm với các giải pháp chống quá tải bệnh viện. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa y tế, phát triển y tế ngoài công lập theo quy định; nâng cao năng lực quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế…
Các hoạt động y tế với mục tiêu chăm sóc sức khỏe và bảo vệ con người giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Phát triển y tế gắn liền với sự phát triển của xã hội. Vì vậy thiết nghĩ, y tế không những phải theo kịp sự phát triển của xã hội mà còn phải đi trước sự phát triển đó. Do vậy, cần tập trung đầu tư cho sự nghiệp y tế cũng như tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để công tác y tế đi vào chiều sâu, góp phẩn chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.