Trong các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, có khá nhiều người băn khoăn về tình trạng quá tải ở hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non (MN) công lập trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Các bậc cử tri lo lắng, nếu không có giải pháp khắc phục sẽ gây áp lực lớn đối với giáo viên và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục bậc học này.
Chỉ đáp ứng 31% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp
Theo Thông tư Liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 quy định số trẻ tối đa trong một lớp như sau: Nhóm trẻ từ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi: 25 trẻ/ lớp; mẫu giáo 3 tuổi đến 4 tuổi: 25 trẻ/ lớp; mẫu giáo 4 tuổi đến 5 tuổi: 30 trẻ/ lớp và mẫu giáo 5 tuổi đến 6 tuổi: 35 trẻ/ lớp. |
Để tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng quá tải ở các cơ sở giáo dục MN công lập trên địa bàn T.P Thái Nguyên, chúng tôi đã đến Trường MN 19-5 để tìm hiểu. Tại đây, chúng tôi chứng kiến các cô giáo quản trẻ rất vất vả, bình quân mỗi lớp có từ 45 cháu đến 55 cháu. Cô Đỗ Thị Mai Hương, giáo viên phụ trách lớp mẫu giáo 4 tuổi chia sẻ: “Lớp tôi có 55 trẻ, trong đó có 2 trẻ khuyết tật được học hòa nhập tại đây. Mặc dù lớp đã được bố trí 3 người phụ trách nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy rất vất vả, vì ngoài giúp các cháu ăn, ngủ, học các kỹ năng khác, còn phải để mắt đến các cháu vì sợ trẻ nhỏ hiếu động đánh nhau, té ngã…”. Còn cô giáo Nguyễn Minh Thu, Hiệu trưởng Nhà trường phàn nàn: “Trường MN đạt chuẩn quy định không được phép quá 20 lớp, nhưng Nhà trường năm học nào cũng phải duy trì trên 30 lớp, bình quân mỗi lớp từ 45 đến 55 cháu, nên dù Nhà trường dạy chất lượng uy tín đến đâu vẫn không được công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia”.
Không chỉ ở trường trung tâm Thành phố, những cơ sở giáo dục MN công lập xa trung tâm như: Trường MN Cốc Hóa (phường Hương Sơn) cũng phải xếp bình quân 53 trẻ/lớp; Trường MN Phúc Trìu (xã Phúc Trìu) 34 trẻ/lớp. Cô giáo Trương Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường MN Cốc Hóa thông tin: Mặc dù Nhà trường rất cố gắng, nhưng cũng chỉ nhận được khoảng 50 % số trẻ thuộc nhóm trẻ nhà trẻ của phường ra lớp. Trên thực tế, nhiều trẻ vẫn phải học tại trường MN Trung Thành (phường Trung Thành), một số cháu trong độ tuổi nhà trẻ, các bậc phụ huynh phải gửi tại cơ sở trông giữ trẻ tư thục.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Hằng, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo T.P Thái Nguyên cho biết: Trên địa bàn Thành phố có 39 trường MN công lập, năm học 2015-2016, các trường công lập đã huy động được trên 2 nghìn trẻ ra lớp nhà trẻ và trên 11 nghìn trẻ ra lớp mẫu giáo. Các trường MN công lập trên địa bàn Thành phố năm học nào cũng trong tình trạng quá tải, các lớp học MN đều có số lượng học sinh vượt xa so với quy định. Mặc dù vậy, nhưng các nhà trường cũng chỉ tiếp nhận đạt khoảng 30% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ tại địa phương vào học; lớp mẫu giáo 3-4 tuổi là 95,5 % và lớp mẫu giáo 5 tuổi là 100%.
Khuyến khích phụ huynh gửi con vào trường dân lập, tư thục
Những năm qua, T.P Thái Nguyên rất quan tâm đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặc biệt trú trọng đầu tư cở sở vật chất cho mạng lưới giáo dục MN. Mặc dù vậy, trên thực tế, tình trạng quá tải ở bậc học này vẫn tồn tại. Nguyên nhân chính do quy mô dân số tăng quá nhanh, trong đó phát triển quy mô trường lớp lại không theo kịp. Bên cạnh đó, thiếu vốn, thiếu quỹ đất để mở rộng một số cở sở MN cũng là những vấn đề dẫn đến tình trạng quá tải ở bậc học này.
Trước tình trạng trên, T.P Thái Nguyên cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp và đưa ra giải pháp nhằm khắc phục tình trạng quá tải ở bậc học MN. Hằng năm,Thành phố dành một nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư cơ sở vật chất cho bậc học này. Đơn cử, trong thời gian này, Thành phố đang dùng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới để đầu tư xây dựng mới 4 trường MN gồm: MN Quang Vinh, MN Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, MN Cốc Hóa và chuẩn bị thành lập mới một trường MN tại phường Quang Trung; lồng ghép một số chương trình để huy động vốn xây mới, sửa chữa một số lớp học MN...
Bên cạnh huy động nguồn vốn ngân sách và sử dụng vốn vay khác để xây dựng trường, lớp MN thì thành phố cũng đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đơn vị xây dựng trường MN ngoài công lập và khuyến khích các bậc phụ huynh gửi con vào các trường ngoài công lập để học tập. Trên địa bàn thành phố, đã có 9 trường MN được các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng quy mô, chất lượng như: Trường MN Quốc tế Hoa Trạng nguyên; Trường MN Hoa Tuổi thơ; Trường MN Thái Hải... Theo lộ trình của Đề án Phát triển Giáo dục và Đào tạo T.P Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực, sự ủng hộ của các tập thể, cá nhân đầu tư cho giáo dục MN bằng đa dạng hóa các loại hình trường, lớp (công lập, dân lập, tư thục). Theo đó sẽ thành lập mới 1 trường mầm non công lập và 8 trường mầm non ngoài công lập để duy trì 100% trẻ 5 tuổi được chăm sóc giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Nâng tỷ lệ trẻ được chăm sóc giáo dục tại các cơ sở giáo dục MN đối với trẻ trong độ tuổi nhà trẻ từ 31% lên 35%, trẻ 3 đến 4 tuổi từ 95,5% lên 98%.
Tuy nhiên, theo các nhà quản lý giáo dục Thành phố, để giải quyết triệt để vấn đề quá tải ở các cơ sở giáo dục MN công lập vẫn đang là bài toán khó. Bởi mặc dù Thành phố đã cố gắng, nhưng nguồn vốn đầu tư mở rộng trường lớp mầm non có hạn, trong khi đó nhu cầu gửi trẻ lại tăng đột biến những năm gần đây. Việc ngành giáo dục khuyến khích các bậc phụ huynh gửi trẻ ở các cơ sở MN ngoài công lập thì không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện vì học phí tại các trường ngoài công lập cao hơn so với các cơ sở MN công lập.