Hơn mọi gần gũi, thân thiết - đó là niềm tin của rất nhiều bệnh nhân khi mang tính mạng mình gửi gắm cho ông Nguyễn Ngọc Dương, 55 tuổi, một lương y ở xóm Hùng Vương, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ). Bằng các bài thuốc nam cổ truyền kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, ông đã giúp nhiều người “bán thân bất toại” đứng dậy, đi lại bình thường và tham gia lao động sản xuất.
Chuyện ông Dương đến với y học cổ truyền cũng như một giai thoại. Khi đó, năm 1991, đang “khỏe như vâm” thì ông Dương bị nhũn xuống “như con chi chi”. Toàn thân đau đớn, đi không được, đứng không xong, mà nằm xuống cũng có cả ngàn mũi kim đâm chích vào da thịt. Đến bệnh viện khám, thầy thuốc kết luận ông bị bệnh thoái hóa cột sống, đau dây thần kinh tọa. Về nhà, ông uống hết “mấy vốc thuốc” theo chỉ định của bác sĩ, nhưng bệnh tật chẳng chịu buông tha. Tận khi ấy, ông mới gọi điện thoại về quê (quê ông ở Hải Dương) cho cụ thân sinh. Sau 3 hôm, cụ thân sinh đã lên đến Thái Nguyên, vai mang theo nhiều bọc lá cây, rễ cỏ được cụ nhặt sẵn như để dành chữa bệnh cho con. Khi số thuốc cụ mang từ quê lên đã cạn, cũng là lúc ông có thể tự đi lại không cần vợ dìu, con dắt. Cụ bắt đầu hướng dẫn cho ông về tính năng, tác dụng của từng loại lá cây, rễ cỏ; cách chẩn bệnh, phương pháp bào chế thuốc và cách bấm huyết chữa bệnh. Ông Dương tâm sự: Sau hơn 5 tháng, tôi khỏi hẳn bệnh, đồng thời nhận ra cụ thân sinh đã lặng lẽ truyền dạy cho tôi cách chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.
Nhưng ông Dương thấy mình chưa đủ độ chín về nghề thuốc Nam, nên bắt đầu “tầm sư học đạo”. Trong 9 năm (1992-2000), ông đã theo nhiều thầy giỏi để học chuyên sâu về chữa các bệnh liên quan đến cột sống. Để hiểu về cấu tạo xương khớp, cột sống của cơ thể người, ông nhận đi bốc mộ thuê, rồi xếp xương, khớp người quá cố lên tấm nilon, chụp lại, mang rửa thành ảnh rồi nhờ thầy phân tích chi tiết xương và hệ thần kinh liên quan đến cột sống. Vừa học, vừa thực hành cùng thầy dạy, nên dù không qua bất cứ trường lớp đào tạo y học chính quy nào, song ông đọc được hình ảnh phim. Thậm chí qua trò chuyện ông biết nguyên nhân gây ra bệnh của người ngồi đối diện.
Tuy nhiên, khi đã biết chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền, ông Dương vẫn dành thời gian cho nhà xưởng chế biến gỗ và sản xuất cơ khí. Vì đó là nghề ông Dương gầy dựng nhiều năm, và đang cho gia đình ông có cuộc sống ổn định. Rồi, duyên nợ với nghề y học cổ truyền đến với ông như một sắp đặt. Năm 2000, người bạn thân cùng quân ngũ trước đây đến chơi, muốn uống với nhau chút rượu nhưng cánh tay bạn không nhấc nổi chén. Nhìn qua, ông Dương biết bạn mình bị đau cơ vai liền cắt cho thang thuốc, dặn bạn phần uống, phần đắp. Chỉ sau mươi hôm, người bạn trở lại trong tâm trạng thoải mái, bảo: Tôi đã khỏi hẳn bệnh, chiều qua bổ thử cho vợ khúc củi chẳng thấy đau nữa.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người bị bệnh liên quan đến cột sống trong vùng tìm đến nhờ ông Dương chữa giúp. Ban đầu, ông rất ngại, nhưng thấy bệnh nhân đau đớn, kêu la, ông không cầm được lòng, nên mới “ra tay cứu giúp”. Ông cho biết: Nhiều người bị liệt chi trên, chi dưới, thậm chí là đau bụng, sốt cao cũng từ do dây thần kinh bị đốt sống chèn vào. Khó khăn nhất đối với người thầy thuốc là phải tìm đúng căn nguyên gây bệnh để chữa trị.
Ngoài cửa, có tiếng phanh xe ô tô khựng lại làm gián đoạn câu chuyện ông dành cho tôi. Thêm bệnh nhân mới. Tôi tế nhị xin phép ông cho tự mình đi thăm khu nhà ăn, nhà bếp, khu vực vệ sinh chung và khu nhà điều trị. Sạch sẽ, thoáng mát, giống như một cơ sở điều dưỡng. Gặp tôi, ông Nguyễn Văn Tữu, 70 tuổi, xã Nam Tiến (Phổ Yên) cho biết: Gần 10 năm trước, tôi bị thoát vị đĩa đệm. Tôi đến nhà thầy Dương bằng cách nằm trên băng ca xe cứu thương. Sau 30 ngày điều trị thì bệnh khỏi. Cũng gần 10 năm nay, thỉnh thoảng tôi lại đến nhờ ông Dương kiểm tra sức khỏe.
Ông Tữu chỉ là một trong hàng nghìn người được ông Dương chữa cho khỏi bệnh thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Ngãi, 64 tuổi, phường Liễu Giai, quận Ba Đình (Hà Nội); bà Lưu Thị Sơn, 62 tuổi, phường Tân Đức (T.P Việt Trì); ông Hồ Phương Nam, 43 tuổi, xã An Bình, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh)…, mỗi người mang một tình trạng bệnh lý khác nhau, có người bị teo cơ mông, hoặc cơ chân, nặng hơn thì bại liệt hai chi dưới. Họ đều đã “vái tứ phương”, đủ món Đông, Tây y kết hợp rồi mới được ai đó mách nước giới thiệu đến nhà ông Dương. Ông Dương kể: Nhiều trường hợp bệnh nhân mang phim chụp từ 2 cơ sở y tế khác nhau, bác sĩ ghi kết quả khác nhau. Trong trường hợp như vậy, tôi chỉ tham khảo phim, sau đó mới đưa ra kết luận về hiện trạng bệnh lý và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
Có tiếng í ới từ phía cửa ngoài, tôi nhìn ra, bắt gặp sự hạnh ngộ của những người thân dành cho người thân. Họ đón nhau trong niềm vui chảy tràn nước mắt. Có người đến đón người thân, chẳng ngại ngần gì, buột miệng, hỏi: Đi được rồi à? Rồi sờ nắn từ hông xuống đến bàn chân. Có người ôm lấy ông Dương, bảo: Ân nhân là người sinh ra tôi lần thứ hai. Người mộc mạc hơn, nói: Nhờ đôi bàn tay nhặt lá cây, rễ cỏ của ông Dương, tôi đứng thẳng lưng trở lại, được đi trên đôi chân của mình và thoát cảnh ngồi xe lăn.
Tôi đã thấy ông Dương mỉm cười khi bệnh nhân tự đứng dậy, đi lại. Tôi cũng thấy ông Dương suy tư, trăn trở trước tiếng kêu đau đớn của người bệnh. Và tôi cũng đã nghe được tiếng thở phào của ông khi bắt được căn cớ gây đau đớn trên cơ thể bệnh nhân. Rồi khi chứng kiến cảnh ông Dương cùng vợ sắc thuốc bưng đến bên giường, động viên bệnh nhân uống đúng giờ, tôi mới chợt nhận ra, giữa cuộc đời thường hôm nay, tiền không phải là tất cả.