Bất cập trong quản lý, vận hành hồ điều hòa Xương Rồng

17:19, 08/08/2016

Sự việc cá chết bất thường hàng loạt tại hồ điều hòa Xương Rồng (T.P Thái Nguyên) sau trận mưa ngày 1-7 vừa qua chưa được khắc phục triệt để thì trận mưa to do hoàn lưu bão số 2 tràn vào lòng hồ đã làm mặt nước đặc quánh rác thải. Điều này cũng cho thấy, việc quản lý, vận hành hồ chưa chặt chẽ và còn bất cập.

Có mặt tại hồ điều hòa Xương Rồng sau trận mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 mới đây, chúng tôi lại chứng kiến cảnh mặt nước hồ đặc quánh rác thải (phần lớn là túi ni lon, thùng xốp, phế phẩm sinh hoạt, rác thải y tế...). Một hộ dân sống gần hồ bức xúc: Từ khi lòng hồ bị ô nhiễm, chúng tôi thường ngửi thấy mùi hôi thối bốc lên, vậy còn gọi gì là “hồ điều hòa” nữa.

 

Ông Đặng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng cho biết: Trước đây, Khu hồ điều hòa Xương Rồng, trong đó có cả hồ hiện nay là một vùng ruộng trũng, thuộc phường Phan Đình Phùng quản lý, mỗi khi có mưa to toàn bộ vùng đất này như một “cái phễu” đựng nước, chống ngập úng cho một số vị trí trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Kể từ khi Công ty Cổ phần Sông Đà 2 tiếp quản để xây dựng Khu đô thị hồ Xương Rồng, ngoài tác dụng điều hòa, tiêu thoát nước cho T.P Thái Nguyên, hồ điều hòa Xương Rồng còn có tác dụng điều hòa không khí, tạo cảnh quan cho khu đô thị.

 

Với hai chức năng chính: Vừa điều hòa nước khi có mưa lớn, vừa điều hòa không khí, tạo cảnh quan môi trường. Tuy nhiên trở lại trận mưa ngày 1-7, khi nước tràn về, Ban Quản lý Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng đã chậm trễ trong việc mở các cửa xả cho nước vào hồ. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây tình trạng ngập úng cục bộ một số điểm trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Về vấn đề này, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng cũng thừa nhận và giải thích: Do lâu ngày không vận hành cửa xả nên đã bị kẹt, cộng thêm thực hiện bằng phương pháp thủ công đã dẫn đến việc mở cửa xả chậm.

 

Còn về việc giữ môi trường cho hồ luôn đảm bảo trong lành thì hiện nay Ban Quản lý Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng rất lúng túng. Ông Ngô Trí Vĩnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng cho biết: Định kỳ 6 tháng một lần, Ban Quản lý Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng đều thuê cơ quan chức năng quan trắc môi trường, quan trắc nguồn nước của hồ, nếu có ô nhiễm thì xử lý, khắc phục kịp thời, nhưng ông cũng không dám chắc luôn giữ cho nguồn nước đảm bảo. Bởi lẽ, mỗi khi có mưa lớn, nhận được lệnh nâng cửa van để cho nước vào hồ thì Ban Quản lý không kiểm soát được nguồn rác thải chảy vào lòng hồ.

 

Theo thiết kế và quy hoạch được duyệt, Dự án Khu đô thị Hồ Xương Rồng được khớp nối đồng bộ hạ tầng tiêu thoát nước (nước mưa, nước thải) với dự án thoát nước thải thành phố thông qua 3 trạm bơm SP7, SP8 và SP9. Theo đó, trạm SP7 có chức năng thu nước thải sinh hoạt khu vực thượng lưu cầu Xuân Thịnh (đường Bắc Nam) và bơm có áp về trạm SP8, từ trạm SP8 bơm tiếp về trạm SP9, từ SP9 bơm chuyển bậc về trạm xử lý nước thải tại phường Gia Sàng. Ngoài ra, trạm bơm SP9 (công suất 1200m3/h) còn có chức năng bơm tiêu thoát nước cho hồ Xương Rồng khi trời mưa lớn. Tuy nhiên, hiện tại do hệ thống thoát nước thải T.P Thái Nguyên chưa vận hành nên nguồn nước thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực thượng lưu cầu Xuân Thịnh đều đổ dồn vào hồ.

 

Qua phân tích nêu trên có thể thấy, việc quản lý, điều hành hồ điều hòa Xương Rồng hiện nay là chưa hợp lý. Với sự bất cập nêu trên, đại diện Ban Quản lý Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng cũng kiến nghị muốn được giao hồ về cho UBND T.P Thái Nguyên quản lý. Kiến nghị này cũng trùng với suy nghĩ của ông Đặng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng. Ông Sơn cho rằng: hồ phải để chính quyền quản lý cùng với đó phải có cơ chế cụ thể trong việc quản lý, vận hành.