“Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, quý 2/2016”, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố sáng nay (17/8) cho biết: Trong quý 2/2016, dân số từ 15 tuổi trở lên đạt 70,85 triệu người (giảm 0,01% so với quý 2/2015; khu vực thành thị tăng 6,27%).
Thất nghiệp tăng cả số lượng và tỷ lệ
Đáng lưu ý, so với quý 1/2016, thất nghiệp tăng cả về số lượng và tỷ lệ. Người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Quý 2, cả nước có hơn 1,088 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 16,4 nghìn người so với quý 1 và giảm 55,9 nghìn người so với quý 2/2016.
Trong số những người bị thất nghiệp, có 418,2 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật; các nhóm có số người thất nghiệp nhiều nhất là nhóm “trình độ đại học trở lên” (191,3 nghìn người), “cao đẳng chuyên nghiệp” (94,3 nghìn người) và “trung cấp chuyên nghiệp” (59,1 nghìn người).
Về tỷ lệ, thất nghiệp cao nhất rơi vào nhóm “cao đẳng chuyên nghiệp” (6,6%), “đại học trở lên” (4%) và “cao đẳng nghề” (3,66%).
Trong quý 2/2016, cả nước có 1,41 triệu lao động có thời gian làm việc dưới 35 giờ/tuần; riêng số người trong độ tuổi lao động bị thiếu việc làm là 721.000 người, giảm 100.000 người so với quý 1 và 111.000 người so với cùng kỳ.
Bản tin cũng cho biết, trong quý 1, số người có nhu cầu tìm việc làm là 56,8 nghìn người, tăng 12,2% so với quý 1/2016. Nhóm có bằng trung cấp có nhu cầu tìm việc làm nhiều nhất (chiếm 30,9%), tiếp theo là nhóm có trình độ cao đẳng (chiếm 19,2%) và đại học trở lên (chiếm 16,8%).
Nhóm nghề “kế toán – kiểm toán” có số lượng người tìm việc nhiều nhất (chiếm 16,9%); tiếp đó là “quản trị kinh doanh” (10,4%) và “nhân sự” (10%). Một số nghề mà người tìm việc đăng ký giảm nhiều là “tài chính ngân hàng” và “lái xe”.
Thu nhập lao động làm công ăn lương giảm
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội cho biết, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương trong quý 2 là 4,85 triệu đồng (quý 1 là 5,08 triệu). Nguyên nhân do quý 1 gắn với Tết nguyên đán cho nên người lao động được hưởng thêm tiền thưởng Tết, do đó thu nhập quý 2 giảm là điều tất nhiên.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động làm công ăn lương cũng giảm so với quý 1 (từ 41,40% xuống còn 41,26%); ngành công nghiệp chế biến chế tạo có số lượng lao động giảm nhiều nhất (61.000 người, chiếm trên 10%).
Theo thống kê, tất cả các nhóm nghề đều có thu nhập thấp hơn quý 1/2016, nhưng cao hơn quý 2/2015. Nhóm quản lý và chuyên môn kỹ thuật bậc cao có thu nhập bình quân tháng cao nhất, song thu nhập của nhóm “lao động giản đơn” tăng nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách đối với các nhóm còn lại.