Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn

09:58, 12/08/2016

Do người dân vứt các loại rác thải bừa bãi, thêm vào đó, dịch vụ vệ sinh môi trường chưa phát triển đúng mức, nên xã Ký Phú và Vạn Thọ (Đại Từ) từng đứng trước nỗi lo về tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn. Nhưng đó là trước kia, còn mấy năm gần đây, nhờ Dự án quản lý chất thải rắn, xử lý bùn thải, ý thức của người dân được nâng lên, môi trường nông thôn có sự thay đổi rõ rệt…

Chúng tôi đến xã Ký Phú vào đúng thời điểm xã tổ chức tập huấn hoạt động thu gom rác thải cho đội ngũ vệ sinh viên, các tổ trưởng tổ thu gom rác thải... Trong chương trình, các vệ sinh viên được chuyển tải một số thông điệp chính về rủi ro mà các thói quen xử lý rác cũ có thể gây ra, cũng như những lợi ích của việc quản lý tốt rác thải, cách thức hoạt động của tổ thu gom rác... Ngoài nội dung tập huấn, những người làm công tác vệ sinh môi trường cũng đã thống nhất 2 điểm tập kết các xe để rác chờ chuyển đi xử lý thuộc địa phận xóm Cả và xóm Gió nằm trên tuyến đường tỉnh 261. Đây là 2 khu vực nằm giữa các xóm, tập trung đông dân, thuận lợi cho việc thu gom rác thải từ các xóm trong xã.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lỗ Văn Đường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có 10 xóm với khoảng 1.400 hộ, trước đây, người dân vẫn quen bạ chỗ nào vứt chỗ đó, dọc đường 261, các ngõ xóm đều có rác, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, từ khi triển khai dự án này, bà con đã được tuyên truyền, nhờ đó ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân được nâng lên, hình thành thói quen tập kết vào các điểm nhất định. Thêm vào đó, xã còn được cấp 19 chiếc xe gom rác đẩy tay để phục vụ việc thu gom. Rác thải ra đến đâu được thu gom đến đó nên không còn tình trạng vứt rác bừa bãi nữa, các tuyến đường làng, ngõ xóm luôn được giữ sạch sẽ. Hiện nay, trung bình mỗi tuần, xã thu gom được khoảng 32 xe, tương ứng với 16m3 rác thải để đưa đi xử lý.
 

Giống như Ký Phú, xã Vạn Thọ cũng được hưởng lợi từ Dự án này. Hiện nay, trên địa bàn xã hầu như không còn tình trạng rác thải vứt ở dọc đường đi như trước, đường làng, ngõ xóm luôn sạch quang. Việc phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ đã được các hộ dân ký cam kết thực hiện ngay tại gia đình, khiến cho môi trường sống ở Vạn Thọ ngày càng được cải thiện hơn. Hoạt động thu gom rác thải nằm trong kế hoạch thu gom rác của các xã do Ban Quản lý môi trường huyện tổ chức. Xã đang xây dựng điểm tập kết rác khô, bố trí xe tải chở rác thu gom chở về bãi xử lý rác của huyện.

 

Được biết Dự án quản lý chất thải rắn, xử lý bùn thải do Tổ chức EAST và Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh triển khai từ năm 2015 tại 2 xã: Ký Phú và Vạn Thọ. Dự án gồm 2 phần chính là: Quản lý hệ thống thu gom xửlý bùn thải, nước sạch và vệ sinh môi trường. Đối với việc xử bùn thải, cách thức xử lý là thu gom bùn thải ở bể tự hoại và hố khô nhà vệ sinh về bãi xử lý rác của huyện, sau đó phơi bùn để loại bỏ phần nước thải, cho nước thải thoát ra ngoài theo đường rãnh dẫn nước thải về đến khu xử lý nước thải hiện có tại bãi, tái chế bùn khô bằng cách đưa vào bể ủ vi sinh để tạo thành phân vi sinh. Qua đó làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm do xả nước thải và nguy cơ lây nhiễm các căn bệnh liên quan đến vệ sinh nhờ xử lý nước thải rỉ ra từ bùn thải. Riêng về nước sạch và vệ sinh môi trường, Dự án sẽ đầu tư hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ người dân, đồng thời tạo cho người dân thói quen vứt rác đúng nơi quy định, rồi thu gom đưa đi xử lý, giữ gìn vệ sinh môi trường.

 

Ký Phú và Vạn Thọ là 2 xã thuộc vùng bán ngập hồ Núi Cốc, mỗi ngày 2 xã này thải ra khoảng 10m2 rác thải. Do tập quán sinh hoạt và nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, rác thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi ngày càng nhiều, dẫn đến chất lượng môi trường ngày càng suy giảm nếu không có biện pháp ngăn ngừa và khắc phục. Dự án quản lý chất thải rắn, xử lý bùn thải chính là “cứu cánh” cho môi trường nông thôn đang ngày càng ô nhiễm ở đây. Ngoài việc tập huấn, tuyên truyền, Dự án còn đầu tư xây dựng khu phân loại rác đầu vào, 7 gian nhà ủ cấp khí, 7 gian nhà ủ chín, 3 sân phơi bùn, hệ thống thu gom nước thải rác phát sinh trong quá trình ủ rác hữu cơ, nước thải từ các sân phơi bùn. Cùng với đó, Dự án cũng trang bị 1 xe xúc lật để vận chuyển rác và đảo trộn rác hữu cơ trong quá trình xử lý, 1 xe hút bùn chuyên dụng, trên 30 xe thu gom rác đẩy tay. Ngoài ra, còn có máy sàng, băng tải, các dụng cụ khác để phục vụ việc xử lý rác. Chứng kiến quá trình xử lý rác thải của Dự án, chúng tôi thấy vấn đề ô nhiễm được xử lý khá tốt. Mọi người có thể thoải mái đi lại, vào tận các phòng ủ mà không lo ruồi nhặng bám đầy và mùi hôi thối xộc lên như nhiều bãi rác khác trong tỉnh. Hằng ngày, các công nhân ở đây đều thực hiện các công đoạn sàng, ủ để xử lý rác. Ông Nguyễn Duy Tiên, Trưởng Ban Quản lý vệ sinh môi trường huyện cho biết: Rác thải sau khi chuyển về đây được các công nhân sàng lọc lấy các chất thải rắn khó phân hủy đem đi chôn lấp, còn các loại rác hữu cơ sẽ đưa vào ủ. Qua 2 giai đoạn ủ cấp khí và ủ chín sẽ cho ra sản phẩm phân hữu cơ. Loại phân hữu cơ này có thể dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, có tác dụng cải tạo đất rất tốt.

 

Sau 1 năm triển khai thực hiện Dự án không những đã giúp 2 địa phương giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cung cấp nước sạch sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn góp phần đắc lực trong việc đẩy nhanh quá trình hoàn thành tiêu chí môi trường trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới - một trong những tiêu chí luôn khiến các địa phương đau đầu tìm cách tháo gỡ khó khăn để có thể “về đích” nông thôn mới.