Mô hình bác sỹ gia đình hiện tại đã được thí điểm triển khai tại 8 tỉnh, thành phố và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc gắn kết, lồng ghép và vận hành mô hình bác sỹ gia đình để hỗ trợ hệ thống y tế cơ sở một cách hiệu quả, bền vững tại địa phương.
Về nguồn nhân lực, với mạng lưới hơn 11.000 trạm y tế xã, phường trên toàn quốc, mô hình bác sỹ gia đình nên được triển khai để có thể sử dụng cơ sở vật chất sẵn có, tránh trùng lặp và lãng phí, hoặc bổ sung đầu tư mới một cách hợp lý, đặc biệt với các địa bàn vùng sâu, vùng xa - nơi mà việc xây dựng và sử dụng trạm y tế xã còn nhiều khó khăn và bất cập.
Theo thống kê, hiện cả nước có 900 bác sỹ chuyên khoa cấp I, 1.200 bác sỹ định hướng y học gia đình được đào tạo. Đây là một con số rất nhỏ so với mục tiêu triển khai bác sỹ gia đình trên toàn quốc. Vì vậy, cần cân nhắc việc sử dụng nguồn lực hiện tại để tăng cường cho đội ngũ bác sỹ gia đình cũng như xây dựng kế hoạch đào tạo để đảm bảo về số lượng và chất lượng cho nguồn nhân lực trong tương lai.
Cục khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, mô hình bác sỹ gia đình hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện, liên tục, giúp phòng chống và sàng lọc bênh tật cũng như tăng cường liên kết gia đình - cộng đồng trong việc nâng cao sức khỏe người dân. Với sứ mệnh đó, việc nhân rộng và thực hiện có hiệu quả mô hình bác sỹ gia đình được kỳ vọng sẽ góp phần giảm quá tải bệnh viện và tăng cường y tế tại tuyến cơ sở là 2 trong 9 ưu tiên của ngành y tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020.