Pokemon Go: Chơi có chừng, dừng đúng lúc

17:01, 21/08/2016

Chính thức có mặt tại Việt Nam từ ngày 6-8, trò chơi Pokemon Go đã khiến giới game thủ trong nước nói chung và T.P Thái Nguyên nói riêng mê mẩn. Không thể phủ nhận sự thú vị mà trò chơi này mang lại, tuy nhiên, cũng có nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi người dùng quá ham mê Pokemon Go.

Chiều muộn, đi qua một số khu vực trong Thành phố như: Quảng trường Võ Nguyễn Giáp, đường Lương Ngọc Quyến, Hoàng Văn Thụ... không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người chơi cắm cúi vào điện thoại, dò theo bản đồ chỉ dẫn trên màn hình để “săn” Pokemon. Dừng xe bên vỉa hè để tìm bắt chú Pokemon quý hiếm, Đàm Đình Hoàng, học sinh lớp 11, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tỏ ra hào hứng: “Game này hay lắm. Để săn được nhiều Pokemon, em phải đi khắp nơi nên biết được nhiều địa điểm hơn trong Thành phố. Nhiều bạn ở lớp, ở Trường em cũng đang yêu thích trò chơi này. Chúng em còn lập thành nhóm, tranh thủ lúc nào rảnh rỗi là đi bắt Pokemon ngay”.

 

Chiều nào cũng vậy, học xong là hai chị em Thúy và Thu (22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên) cũng vừa tản bộ vừa... bắt Pokemon tại khu vực quảng trường Võ Nguyên Giáp. Trò chơi này thực sự khiến hai cô gái thay đổi thói quen lười vận động: “Trước kia, cứ đi học về đến nhà, hai chị em mình lại mỗi người một máy điện thoại, dán chặt mắt vào màn hình, nhiều khi cả ngày chẳng nói với nhau câu nào. Bây giờ hai chị em cứ rảnh rỗi là rủ nhau đi bộ bắt Pokemon, vừa vận động nhiều lại vui vì trò chơi giúp mọi người có thể tương tác với nhau nhiều hơn”.

 

Điểm khác biệt tạo nên tính mới lạ, hấp dẫn của trò chơi này là sự tương tác giữa những con vật ảo trong game với các địa điểm ngoài đời thực. Pokemon Go sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS để thiết kế bản đồ giống hệt với thực tế. Khi bật ứng dụng này, các con thú Pokemon sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Người chơi muốn bắt được các quái thú này buộc phải di chuyển liên tục đến các địa điểm đó. Sở hữu càng nhiều thú ảo, cấp độ của người chơi càng tăng và có nhiều cơ hội chiến thắng khi thi đấu với những người chơi khác.

 

Các Pokemon có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, thậm chí ở giữa đường. Vì thế nhiều bạn trẻ không ngại ngần vừa lái xe, vừa cầm điện thoại tìm Pokemon, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Bà Dương Thị Duyên, ở tổ 24, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) vẫn chưa hết bức xúc: “Mới hôm qua khi đang đi đến đoạn cổng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên thì bất ngờ có một cậu thanh niên tạt đầu xe tôi để dừng lại bắt Pokemon, khiến tôi loạng choạng phanh gấp, cũng may là không có tai nạn xảy ra”.

 

Theo các “tín đồ” của Pokemon Go, ở T.P Thái Nguyên, những địa điểm công cộng như: Quảng trường Võ Nguyên Giáp, đài phun nước trung tâm Thành phố... là nơi đặt Pokestop (nơi để người chơi thu thập vật phẩm) và Poke Gyms (nơi chiến đấu thú ảo) nên xuất hiện rất nhiều Pokemon. Chính vì vậy, các địa điểm này thu hút nhiều người đến bắt thú ảo. Tuy nhiên, việc quá chú tâm vào điện thoại mà không để ý đến mọi thứ xung quanh, để dẫn đến những vụ va quệt, tai nạn giao thông. Cùng với đó, khi đi một mình vào khu vực vắng vẻ dễ khiến người chơi trở thành mục tiêu của các đối tượng xấu.

 

Vừa qua, trên các phương tiện truyền thông đã có nhiều thông tin người chơi bị cướp giật điện thoại khi đang mải tìm Pokemon. Mặc dù T.P Thái Nguyên chưa ghi nhận trường hợp nào tương tự nhưng người chơi cần cẩn trọng và có biện pháp phòng vệ tốt nhất để bảo vệ tài sản của mình. Do đó, những bạn trẻ vẫn ngày đêm mê đắm với cơn sốt Pokemon Go cần đặc biệt lưu ý không chơi game khi đang tham gia giao thông, tránh xa khu vực vắng người, nơi dễ biến mình trở thành “con mồi” của những đối tượng xấu, gây nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, nếu người chơi quá lệ thuộc vào trò chơi, đua theo phong trào, sẽ làm mất thời gian, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc, học tập và kéo theo nhiều hệ lụy.