Trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

09:07, 18/08/2016

Hơn 5 năm qua, nhiều hộ dân của hai xóm: Đồng Lạnh và Long Giang, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) luôn phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường do trang trại chăn nuôi lợn của ông Hồ Quang Tuấn gần đó gây ra. Mặc dù, đã nhiều lần người dân ở đây có ý kiến kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng đến nay tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Chúng tôi đến xóm Đồng Lạnh vào một ngày oi nóng đầu tháng 8. Mới đi đến Nhà văn hóa xóm (cách trang trại lợn khoảng 500m), chúng tôi đã ngửi thấy mùi phân lợn bốc lên nồng nặc. Vừa đi, ông Trần Trọng Kim, Trưởng xóm Đồng Lạnh vừa đưa tay chỉ những ruộng lúa và bảo: Trước đây, toàn bộ 2ha đất tại cánh đồng này được người dân cấy 2 vụ lúa. Nhưng nay, các ruộng đều phải bỏ hoang do lượng phân lợn của trang trại thải ra quá lớn khiến cho cây lúa không thể phát triển được. Xóm chúng tôi có 94 hộ dân thì có đến 2/3 số hộ bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối của trang trại lợn. Bà Phan Thị Lý, người dân sống cách trang trại lợn khoảng 100m cho biết: Mùi phân lợn thối quá. Gia đình chúng tôi đóng cửa suốt ngày. Cứ đến giờ ăn cơm là ai nấy đều ăn nhanh nhanh, chóng chóng cho xong bữa. Còn ông Trần Văn Bộ cho hay: Gia đình tôi có 3 sào ruộng gần nguồn thải của trang trại lợn nên khi cấy, cây lúa đều thối rễ và chết. Nhiều năm nay, diện tích lúa đó của gia đình đã phải bỏ không.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trang trại chăn nuôi lợn sạch, siêu nạc của ông Hồ Quang Tuấn có diện tích gần 5.000m2, với quy mô hàng nghìn con lợn/lứa, đã đăng ký cam kết bảo vệ môi trường ngay từ khi mới đi vào hoạt động (tháng 4-2009). Trong bản cam kết ghi rõ, chủ trang trại sẽ chấp hành tốt việc xử lý môi trường; thực hiện xây dựng bể biogas để xử lý phân, nước thải; chuồng trại thường xuyên được cọ rửa để không gây mùi hôi thối ra xung quanh... Tuy nhiên, qua quan sát thực tế, chúng tôi thấy xung quanh trang trại lợn của ông Tuấn không có bất cứ bể biogas nào để xử lý phân lợn mà toàn bộ lượng phân lợn được trang trại xả trực tiếp ra cánh đồng gần đó, rồi theo dòng chảy, chảy xuống ruộng lúa của người dân, đến đập Đồng Lĩnh, giáp xã Phúc Trìu (cách 1km) mà nước thải vẫn đen ngòm và có mùi hôi. Sau nhiều lần bị chính quyền địa phương nhắc nhở, đầu năm 2015, ông Tuấn đã xây dựng một bể xử lý chất thải (rộng vài trăm mét vuông) nhưng đến nay bể chỉ để “chứa nước mưa” chứ chưa được sử dụng để xử lý chất thải.

 

Theo phản ánh của người dân, lượng chất thải của trang trại lợn được xả ra nhiều hơn vào ban đêm. Những hôm trời mưa to, nước phân tràn cả lên đường đi khiến cho đoạn đường vào xóm rất bẩn. Không chỉ xả phân lợn trực tiếp ra cánh đồng, gây ảnh hưởng đến việc cấy hái của bà con mà mỗi khi có lợn chết, công nhân của trang trại còn mang ra ngoài khu vực hàng rào trang trại để đào hố chôn khiến cho không khí ở đây càng trở nên xú uế, khó chịu. Ông Trần Trọng Kim bày tỏ: Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương mong sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường của trang trại nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Xuân cho biết: Về tình trạng ô nhiễm môi trường của trang trại lợn ở xóm Đồng Lạnh, xã cũng đã nhiều lần phối hợp với các phòng, ban của thành phố vào kiểm tra, nhắc nhở và lập biên bản. Tuy nhiên, đến nay chủ trang trại vẫn không chấp hành theo đúng cam kết bảo vệ môi trường mà vẫn xả thải phân lợn trực tiếp ra đồng ruộng. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm tình trạng trên để bà con ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.