Tại kỳ họp thứ 2 này, ngoài biểu quyết bãi bỏ thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ thảo luận, thông qua việc điều chỉnh một số loại phí trên địa bàn. Với các mức điều chỉnh tăng được cho là cần thiết và không quá lớn, hầu hết chỉ ở mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ được cho là sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của đại bộ phận người dân.
Theo đó, có 3 loại phí được đề nghị điều chỉnh, bao gồm: mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2016-2017 đến năm 2020-2021; Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản và mức nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
Đối với mức nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, hiệnThái Nguyên đang thực hiện theo Quyết định số 07/2015/QĐ-UBND ngày 10-4-2015 của UBND tỉnh, trên cơ sở của Nghị định số 42/2012/NĐ-CP. Theo đó, mức nộp được quy định đối với T.P Thái Nguyên là 50.000 đồng/m2; T.P Sông Công 40 nghìn đồng/m2; T.X Phổ Yên, huyện Phú Bình 35.000 đồng/m2; các huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương là 32.000 đồng/m2; Định Hóa, Võ Nhai 28.000 đồng/m2. Ngày 13-4-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 42, do đó, để đảm bảo các mức tối thiểu mà Chính phủ đưa ra, lần này, UBND tỉnh chỉ đề nghị HĐND tỉnh điều chỉnh mức nộp tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa đối với 3 huyện Đồng Hỷ, Đại Từ và Phú Lương từ 32.000 lên 32.500 đồng/m2. Các địa phương còn lại vẫn giữa nguyên.
Đối với mức thu phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản, ngày 19-2-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25-8-2011. Về cơ bản, các nội dung của Nghị định được giữ nguyên, chỉ điều chỉnh giảm ở mức tối đa đối với quặng nhôm và quặng bô xít từ 50.000 đồng/tấn, xuống còn 30.000 đồng/tấn. Mặc dù tỉnh ta hiện chưa phát hiện có 2 loại khoáng sản này, song để đề phòng 2 loại khoáng sản này có thể được tìm thấy trên địa bàn tỉnh bất cứ lúc nào, UBND tỉnh vẫn đề nghị HĐND tỉnh điều chỉnh giảm mức thu phí đối với 2 loại khoáng sản này từ 50.000 xuống 30.000 đồng/tấn. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua, tại kỳ họp này, UBND tỉnh cũng đề nghị điều chỉnh tăng bằng với mức tối đa theo Nghị định số 12 đối với quặng vàng; cát các loại; sỏi, cuội, sạn và nước khoáng thiên nhiên. Cụ thể, điều chỉnh mức thu từ 250.000 đồng/tấn đối với vàng gốc lên 270.000 đồng/tấn; từ 180.000 đồng/tấn đối với vàng sa khoáng lên 220.000 đồng/tấn; cát các loại từ 3.000 lên 4.000 đồng/m3; sỏi, cuội, sạn từ 4.000 lên 6.000 đồng/m3.
Tại sao những loại khoáng sản trên lại được đề nghị điều chỉnh ở mức tối đa theo quy định, trong khi các loại khoáng sản khác cơ bản được giữ nguyên? Theo đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh trình nội dung này tại kỳ họp cho biết: Khoảng 2 năm trở lại đây, những loại khoáng sản này tăng mạnh về giá. Đơn cử như đối với cát xây dựng, nếu như từ năm 2013 trở về trước có giá khoảng 170.000 -180.000 đồng/m3, thì nay đã tăng lên từ 260.000 - 330.000 đồng/m3 (tùy theo địa bàn gần hay xa nguồn khai thác cát). So với mức thu đang áp dụng, lần đề nghị điều chỉnh này sẽ tăng hơn 7% và bằng 84% so với mức quy định tối đa của Nghị định số 12 song vẫn thấp hơn đáng kể so với một số tỉnh lân cận.
Trong số 3 loại phí được điều chỉnh lần này, mức điều chỉnh học phí đối với các cơ sở giáo dục quốc dân là có sự tác động đến nhiều đối tượng hơn cả nên nhận được sự quan tâm của nhiều người dân cũng như của cán bộ ngành giáo dục. Các bậc học được đề nghị điều chỉnh, gồm: Trung học cơ sở; trung học phổ thông và tương đương; trung cấp và cao đẳng chuyên nghiệp. Theo đó, mức thu bậc THCS ở các phường thuộc thành phố, thị xã được điều chỉnh từ 44.000 lên 60.000 đồng/tháng; hệ THPT từ 55.000 lên 65.000 đồng/tháng. Đối với các thị trấn trung tâm huyện, các xã nông thôn vùng trung du, mức thu chỉ bằng 2/3; các xã, thị trấn còn lại chỉ bằng 1/3 so với mức thu của các phường thuộc thành phố, thị xã.
Theo đại diện một số sở, ngành chức năng, so với các tỉnh lân cận, mức học phí bậc mầm non, THCS và THPT của tỉnh ta hiện thấp hơn khá nhiều so với nhiều tỉnh lân cận và hầu hết đều ở mức tối thiểu của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, trong khi đó, Thái Nguyên là tỉnh trung tâm vùng. Chính vì thế, một số cán bộ quản lý của ngành Giáo dục cho rằng mức điều chỉnh lần này đưa ra là quá thấp, điều này không chỉ làm tăng gánh nặng cho ngân sách, mà còn khiến một số hoạt động của ngành Giáo dục - Đào tạo và các trường học bị ảnh hưởng do nguồn học phí được trích lại thấp. Ngoài ra, điều này sẽ tạo ra khoảng cách khá lớn về mức đóng học phí giữa trường công lập và dân lập, khiến việc thu hút đầu tư xây dựng trường học dân lập, nhất là ở bậc học mầm non trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, đây lại là năm học cơ sở để tính mức học phí cho cả giai đoạn 5 năm học tới. Và điều này được cho là sẽ có thể làm ảnh hưởng ít nhiều tới chất lượng giáo dục đào tạo.
Đối với hệ trung cấp và cao đẳng chuyên nghiệp, ở từng khoa (chuyên ngành) khác nhau thì mức điều chỉnh lại có sự khác nhau, tăng từ 70.000-140.000 đồng/tháng, tương ứng tăng 27% so với mức đang thực hiện. Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mức điều chỉnh này được cho là ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP thì các mức thu được tỉnh đưa ra áp dụng trong năm học tới này chỉ nằm ở mức tối thiểu, bình quân bằng 70% so với mức trần tối đa.
Có thể nói, các mức phí được điều chỉnh tăng lần này về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của đại bộ phận người dân và cũng không phải đối tượng nào cũng chịu tác động bởi mức điều chỉnh này. Tuy nhiên, theo nhiều người, vấn đề tăng hay giảm không quá quan trọng, mà điều cốt yếu là tính hợp lý, đúng nguyên tắc và việc tăng, giảm đó phải có sự kiểm tra, giám sát, sử dụng đúng mục đích từ đó để mang hiệu quả cao nhất.