Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, 4% các trường hợp tử vong trên toàn cầu có liên quan đến rượu bia; gánh nặng sức khỏe liên quan đến sử dụng rượu bia là 4,6%. Đối với Việt Nam, rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông; bạo lực gia đình…
Trước đây, tại các cơ sở y tế, thỉnh thoảng mới có ca loạn thần do rượu nhập viện, thời gian gần đây con số này ngày một tăng. Theo các nghiên cứu khoa học, khi chất cồn vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù chỉ rất ít cũng sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe thể chất và tâm thần. Cồn tác động rất lớn đến bộ não, ngay cả khi chỉ cần uống một lượng với nồng độ khoảng 0,25%o trong máu, tương đương với 0,3 lít bia hoặc 100ml rượu vang. Cồn gây tác động rất lớn đến hệ thống thần kinh mà đặc biệt là lên não, làm cho góc nhìn bị thu hẹp lại và thời gian phản ứng chậm đi. Do vậy, người uống rượu, bia bị hạn chế rất lớn trong việc điều khiển các loại phương tiện giao thông và rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo con số thống kê tính đến tháng 1/2016, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 triệu lít và 70 triệu lít rượu. Mỗi năm Việt Nam còn tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu không chính thống được nấu ở trong dân. Tính trung bình, một nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất. Việt Nam đang là nước sử dụng rượu bia ở mức cao khi đứng thứ 2 trong khu vực, đứng thứ 10 Châu Á và thứ 29 trên thế giới.
Một số nghiên cứu về y tế đã cho thấy, lạm dụng rượu, nghiện rượu là tệ nạn đang gia tăng nhất là ở tuổi thanh niên, ảnh hưởng đến đời sống, giống nòi dân tộc. Ở lứa tuổi trẻ, con số này cũng gia tăng báo động với 79,9% nam và 36,5% nữ thanh thiếu niên 14-15 tuổi có sử dụng rượu bia, tăng 10% với nam và 8% với nữ sau 5 năm; có 60,5% nam và 22% nữ đã từng uống say. Tỷ lệ sử dụng rượu bia trong nhóm 14-17 tuổi tăng từ 34,9 lên 47,5% và trong độ tuổi 18-21 tăng từ 55,9% lên 67%…
Nghiện rượu có yếu tố di truyền rõ rệt. 50% bố, con trai và anh em của nhưng người nghiệu rượu có khả năng trở thành người nghiện rượu. Con của người nghiện rượu có nguy cơ nghiện rượu cao gấp 3-4 lần đứa trẻ bình thường. Theo các bác sỹ, cai nghiện rượu không khó nhưng nguy cơ tái nghiện lại rất cao. Khi vào viện, bệnh nhân sẽ được điều trị giải độc khoảng một tuần tại viện, sau đó được giám sát, theo dõi ở nhà. Sử dụng các thuốc giảm thèm muốn và gây ghét sợ rượu sẽ giúp bệnh nhân tránh xa rượu. Tuân thủ chặt chẽ phác đồ này trong một năm, bệnh nhân mới cai được. Tuy nhiên, hầu hết những bệnh nhân nghiện rượu đều không nghĩ mình đang mắc bệnh, vì thế họ thường không hợp tác với các y bác sỹ./.