Chủ động giám sát, phòng chống dịch bệnh lúc giao mùa

16:21, 14/10/2016

Những ngày này, thời tiết đang giao mùa, đây cũng là điều kiện để nhiều dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, bên cạnh sự giám sát, chủ động phòng, chống bệnh dịch của ngành Y tế, mỗi người dân nên chủ động trong việc để bảo vệ sức khỏe của bản thân  và gia đình.

Thời điểm này, tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đang tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh về hô hấp, Cúm và Tay -chân - miệng. Theo bác sĩ Chuyên khoa II, Hoàng Thị Thư, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, hiện nay, đang là cao điểm của bệnh cúm và tay - chân - miệng. Trong 1 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày Khoa bệnh Nhiệt đới tiếp nhận từ 10-20 trường hợp đến khám do mắc Tay - chân - miệng. Đa số các trường hợp bệnh nhân được khám, kê đơn thuốc và chỉ định điều trị tại nhà. Một số trường hợp xảy ra biến chứng nặng dẫn đến viêm tai giữa, viêm cơ tim… đã được các bác sĩ điều trị tích cực và sức khỏe đã dần ổn định.

 

Còn tại Trung tâm Nhi khoa của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, số trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp cũng gia tăng đột biến, có thời điểm số bệnh nhi nhập viện tăng gấp đôi so với thường ngày. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi, ảnh hưởng của môi trường và các nguồn lây trung gian khiến cho trẻ em dễ mắc bệnh.

 

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến hết tháng 9-2016, toàn tỉnh đã ghi nhận 279 ca lâm sàng bệnh tay - chân - miệng, chủ yếu tập trung tại khu vực thành phố Thái Nguyên. Các bệnh truyền nhiễm như: quai bị, sởi/rubella, sốt xuất huyết… vẫn xuất hiện rải rác trong cộng đồng. Vào mùa thu -đông, nhiều bệnh mới nổi có nguy cơ diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Đó là các bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết, sốt rét, cúm A… Thời gian qua, những bệnh này có diễn biến phức tạp tại khu vực Tây Nguyên, các tỉnh: Đắk Lắk, Khánh Hòa... Gần đây những dịch bệnh có vắc xin phòng bệnh như bạch hầu, ho gà cũng đã xuất hiện trở lại. Ở tỉnh ta, đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nào mắc vi rút Zika, cúm A ở người, mà chỉ có ghi nhận ổ dịch cúm trên gia cầm.

 

Để phòng chống dịch bệnh mùa thu - đông, ngành Y tế đã tích cực triển khai tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân để chủ động phòng, chống dịch, chủ động tiêm vắc xin cho những loại bệnh đã có thuốc dự phòng, tăng cường giám sát phát hiện điểm nguy cơ, chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị phục vụ công tác phòng dịch. Đến nay, 9/9 huyện, thành, thị đã tổ chức Lễ phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết. Các địa phương đã tiến hành ra quân diệt muỗi, loăng quăng, khơi thông cống rãnh, vệ sinh khu vực sinh sống… Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở y tế tuyến dưới thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn để chỉ đạo kịp thời, huy động tối đa mọi nguồn lực của địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Thường xuyên giám sát các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi như vi rút Zika, sốt xuất huyết, tay – chân - miệng, viêm màng não do não mô cầu. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh và đưa tin kịp thời các hoạt động triển khai về công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè trên địa bàn để người dân biết và chủ động tham gia.

 

Một điều gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh trong những năm gần đây là nhiều người dân không đến các cơ sở y tế tại địa phương và thường vượt tuyến lên điều trị tại các bệnh viện tuyến trên hoặc tại các bệnh viện ở Hà Nội. Và thường khi những người xuất viện thì cán bộ y tế ở địa phương mới nhận được thông tin về tình trạng của bệnh nhân. Điều này khiến cho công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, cũng như nguy cơ tạo thành ổ dịch hoặc dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tăng cao.

 

Để phòng, chống dịch bệnh trong mùa thu - đông, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên chủ quan với bất kỳ căn bệnh nào, kể cả bệnh cúm thông thường. Người dân nên thường xuyên rửa tay với xà phòng, tự giác thực hiện tổng vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, như khơi thông cống rãnh, thả cá vào các bể chứa nước, phát quang bụi rậm quanh nhà để diệt muỗi, bọ gậy trong từng hộ gia đình, khuyến khích xây dựng các công trình hợp vệ sinh… Đặc biệt, thời điểm tháng 10 và 11 là dịp bệnh tay – chân - miệng dễ lây lan trong cộng đồng gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Vì vậy, người dân cần chú ý vệ sinh thân thể, đồ chơi, vật dụng của trẻ. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị bệnh tay - chân - miệng cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn và hướng dân cách phòng, chống bệnh kịp thời.