Giảm sự chênh lệch trong phân luồng đào tạo

08:59, 06/10/2016

Chọn tuyển sinh đào tạo nghề từ lứa học sinh tốt nghiệp THCS, một số cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của học sinh, phụ huynh học sinh mà còn góp phần giảm sự chênh lệch trong phân luồng đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, ở nước ta hiện nay có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp phổ thông chọn học nghề trong khi có tới 70% học sinh chọn học đại học, cao đẳng chuyên nghiệp. Hệ lụy của thực tế này dẫn tới tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường lao động, việc làm những năm qua.

 

Một vài năm gần đây, việc phân luồng đào tạo với học sinh phổ thông đang là một nội dung được các cấp ngành, địa phương và  nhiều gia đình quan tâm. Trong đó, không chỉ phân luồng đối với học sinh tốt nghiệp THPT mà ngay từ lứa tuổi tốt nghiệp THCS cũng được định hướng phân luồng học nghề với mục tiêu tăng dần tỷ lệ học sinh học nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

 

Trường Cao đẳng Nghề số 1 - Bộ Quốc phòng là một trong những cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS để đào tạo hệ trung cấp nghề chính quy song song với đào tạo trình độ phổ thông cho học sinh trong năm học 2016-2017. Mặc dù là khóa đầu tiên Nhà trường mở lớp cho học sinh lứa tuổi này nhưng đã tuyển sinh trên 300 học sinh đến từ các huyện, thành, thị trong tỉnh.

 

Em Dương Văn Cường, 15 tuổi, xóm Đồng Vạn, xã Đồng Liên (Phú Bình) là một trong những học sinh theo học tại Nhà trường trong khóa học đầu tiên đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS. Nhà có hai chị em, bố mẹ làm nông nghiệp, Cường dù có học lực khá nhưng em lại chọn học nghề cắt gọt kim loại. Em cho biết: Thực tế trong gia đình, chị gái em tốt nghiệp THPT sau đó học nghề may và đi làm cho thu nhập ổn định trong môi trường làm việc tốt. Chính vì thế nên em nghĩ mình hoàn toàn có thể lập nghiệp với tấm bằng nghề. Em chọn theo học lớp này là muốn rút ngắn thời gian học tập để có thể sớm đi làm.

 

Còn với Trung Văn Lợi, 14 tuổi ở xóm Thẩm Roọc 2, xã Điềm Mặc (Định Hóa) thì cho biết: Lý do em đến với lớp học nghề thay vì đến trường THPT như các bạn khác là vì muốn sớm học được nghề điện lạnh về phụ giúp bố làm việc ở cơ sở sửa chữa điện lạnh của gia đình hoặc xin việc làm ở các khu công nghiệp ngay trong tỉnh. Em Lợi cũng cho biết, nhiều anh chị sống ở gần nhà em sau tốt nghiệp đại học đã phải bỏ cả bằng đại học để đi làm công nhân. Chính vì vậy, dù có ước mơ được đứng trên giảng đường đại học nhưng vì thực tế nhu cầu việc làm hiện nay nên em chọn học nghề và học nghề luôn từ bây giờ để rút ngắn thời gian học.

 

Mặc dù là năm đầu tiên tuyển sinh dạy nghề cho học sinh từ lứa tuổi tốt nghiệp THCS nhưng Trường Cao đẳng Nghề số 1 - Bộ Quốc phòng đã lên kế hoạch, chuẩn bị giáo án, chương trình học từ những năm học trước. Do vậy, công tác chuẩn bị của Nhà trường đã được thực hiện tốt, ngay khi bước vào năm học 2016-2017, hơn 300 học sinh đã được lên lớp, được tạo điều kiện về học phí, chỗ ở. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Dương Đăng Dũng, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trong năm đầu tiên tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS, Nhà trường đặc biệt có nhiều ưu đãi với các em. Hơn 300 học sinh đầu tiên này ngoài những hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, chúng tôi cũng hỗ trợ thêm để các em được miễn hoàn toàn học phí giáo dục phổ thông, học phí học nghề và được ở ký túc xá miễn phí. Ông Dũng cho biết, Nhà trường không đặt mục tiêu lợi nhuận trong năm đầu tiên đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS mà muốn thông qua kết quả đào tạo của mình để thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh và các em học sinh về học nghề. Bên cạnh đó, trong chương trình toàn khóa, chúng tôi cũng sẽ kết hợp vừa dạy học vừa giáo dục cho học sinh, dạy kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp để bảo đảm cho các em sau khi tốt nghiệp ra trường có đầy đủ kiến thức phổ thông, một nghề vững vàng và cả kỹ năng sống cần thiết.

 

Được biết, Trường Cao đẳng Nghề số 1 - Bộ Quốc phòng là cơ sở mới nhất trên địa bàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho học sinh từ lứa tuổi tốt nghiệp THCS trong năm học 2016-2017. Ông Mông Quốc Dũng, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Ngành đánh giá cao việc các nhà trường mở hệ đào tạo nghề đối với học sinh tốt nghiệp THCS. Qua đó, giúp cho công tác phân luồng đào tạo được thực hiện sớm, phù hợp với nhu cầu và xu thế tăng tỷ lệ học sinh học nghề trên địa bàn tỉnh. Theo ông Dũng, việc tuyển sinh dạy nghề từ lứa tuổi này là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế cũng như lứa tuổi lao động theo quy định của pháp luật. Thay vì phải học tổng cộng 5 năm bao gồm 3 năm THPT và 2 năm học nghề để có được bằng trung cấp nghề thì học sinh mới tốt nghiệp THCS chỉ cần học 3 năm học song song văn hóa THPT và trung cấp nghề. Như vậy, sau 3 năm, cũng là 18 tuổi, các em vừa trang bị được kiến thức văn hóa vừa hình thành được tay nghề vững chắc, sẽ nhận bằng tốt nghiệp trung cấp nghề chính quy và giấy chứng nhận hoàn chỉnh văn hóa bậc THPT. So với các em học sinh THPT khác thì lợi thế hơn nhiều. Chính vì vậy, những học sinh xác định được nghề nghiệp mình yêu thích và mong muốn rút ngắn thời gian học tập một cách hợp lý nhất thì nên chuyển hướng học trung cấp nghề ngay từ khi mới tốt nghiệp THCS để giải quyết hiệu quả bài toán kinh tế và thời gian.