Khi nam giới làm cộng tác viên dân số

16:23, 12/10/2016

Ở một số xóm, xã trên địa bàn huyện Phú Lương hiện có những nam giới làm công tác DS-KHHGĐ. Một trong những mgười mà chúng tôi muốn nhắc đến là anh Hoàng Công Khuê, Trưởng xóm Thống Nhất 3, xã Vô Tranh. Anh Khuê đã có gần 14 năm làm cộng tác viên dân số.

Chị Hoàng Thị Ninh, cán bộ dân số xã Vô Tranh cho biết: Toàn xã có 25 xóm, ở mỗi xóm đều có 1 cộng tác viên dân số. Anh Khuê là 1 trong 2 người là nam giới làm công tác này. So với những cộng tác viên dân số khác ở xã thì anh Khuê là người có kiến thức khá sâu, rộng về lĩnh vực dân số. Chính vì thế, ở Thống Nhất 3 - xóm từng có một bộ phận không nhỏ người dân có tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã dần thay đổi, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở xóm giảm đáng kể theo từng năm. Với những kết quả đó, từ 2006 đến nay (trừ năm 2013 do có trường hợp sinh con thứ 3), năm nào anh Khuê cũng được UBND xã tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ).

 

Anh Khuê sinh năm 1978. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi tốt nghiệp THCS, anh phải nghỉ học ở nhà để phụ giúp bố mẹ. Sau khi nghỉ học, anh đã tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương. Năm 1997, khi Trung tâm Y tế huyện có mở lớp đào tạo trình độ sơ cấp y tế, anh đã được cử đi học. Sau gần 2 năm học tập, tốt nghiệp xong, anh đã được ký hợp đồng làm cộng tác viên y tế tại xóm. Năm 2003, anh Khuê được phân công làm cộng tác viên dân số ở xóm. Anh Khuê cho biết: Công việc chính của cộng tác viên dân số là tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, chính sách về DS - KHHGĐ như: Sinh đẻ có kế hoạch; các biện pháp tránh thai; cách sử dụng thuốc tránh thai, bao cao su an toàn…. Đối tượng tuyên truyền là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Là đàn ông nên lúc đầu tiếp cận với công việc này tôi rất ngại, song tôi luôn nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Năm 2013, xóm Thống Nhất 3 có tỷ lệ sinh con thứ 3 nằm trong top cao (có 5 trường hợp) so với các xóm khác trên địa bàn xã Vô Tranh. Trên cương vị vừa là Trưởng xóm kiêm cộng tác viên dân số, anh Khuê đã tổ chức nhiều cuộc họp xóm, vừa để bàn công việc của xóm vừa phổ biến các chính sách về dân số đến bà con. Với suy nghĩ “mưa dầm thấm lâu”, ngoài việc tuyên truyền tại các cuộc họp, anh Khuê còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở xóm cử cán bộ đến tận nhà dân, nhất là những gia đình sinh con một bề là nữ để vận động sinh đẻ có kế hoạch. Đối tượng tuyên truyền không chỉ riêng chị em phụ nữ mà cả các ông chồng. Anh Khuê cho biết: Tư tưởng có con trai để nối dõi tông đường dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3, mà nguyên nhân là chính bắt nguồn từ người đàn ông. Do đó, có đả thông tư tưởng của họ thì chị em mới chủ động được các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch, có 12 năm, xóm không có trường hợp nào sinh con thứ 3.

 

Chị Bùi Thị Lan, một người dân trong xóm cho biết: Gia đình tôi sinh được 2 con gái. Đứa lớn sinh năm 1999, đứa bé sinh năm 2001. Khi sinh xong cháu thứ 2, tôi cũng có suy nghĩ sẽ đẻ thêm đứa nữa với hi vọng được thằng con trai. Tuy nhiên, khi được cán bộ xóm tuyên truyền, nhất là khi đã đả thông tư tưởng của chồng tôi, ông ấy không nặng nề chuyện phải có con trai nên tôi cũng đã chủ động sử dụng biện pháp tránh thai, quyết định không sinh thêm con nữa mà chỉ dừng ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.

 

Để quản lý chặt chẽ, hạn chế tình trạng sinh con thứ 3, anh Khuê đã lập danh sách những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vợ chồng sinh con một bề chia thành từng nhóm đối tượng để tuyên truyền. Hiện nay, xóm Trung Thành 3 có 118 hộ, 458 nhân khẩu, trong  đó cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 81, đã có 71 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, còn lại sử dụng các biện pháp khác. Một số cặp vợ chồng trẻ sau khi sinh con đã chủ động đến gặp anh nhờ hướng dẫn biện pháp tránh thai hiệu quả nhất.

 

Chia sẻ về khó khăn trong công việc, anh Khuê cho biết: Chuyện sinh bao nhiêu đứa con là do tự mỗi gia đình. Khi mình đi vận động cũng không dễ, nhất là với những cặp vợ chồng muốn có con trai. Nhiều khi họ còn nói vui, họ đẻ họ nuôi chứ có bắt cán bộ dân số nuôi đâu. Nhất là những năm trở lại đây, khi đời sống của người dân nâng lên, tư tưởng “đông con nhiều của” của người dân lại “nhen nhóm”. Thực hiện theo chủ trương của Đảng, ngoài việc nâng cao chất lượng dân số thì việc kiểm soát mức sinh vẫn đóng vai trò quan trọng. Để kiểm soát, quản lý tình trạng này, bên cạnh việc phối hợp với Chi bộ, các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, thời gian tới, tôi sẽ có ý kiến đưa vào nghị quyết của xóm để thực hiện, trường hợp nếu gia đình nào sinh con thứ 3 thì trong 5 năm liền sẽ không được xét danh hiệu gia đình văn hóa.