Tháng 9-2016, Dự án Thúc đẩy và Quản lý cộng đồng (viết tắt là PCM2) do Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Sỹ (SDC) tài trợ và được thực hiện bởi Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (LHPN) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em (DWC) đã chính thức khép lại. Sau 3 năm được triển khai, Dự án đã phát huy hiệu quả tích cực, đảm bảo mục đích ban đầu là phát huy năng lực quản lý cộng đồng của người dân.
Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm xóm Làng Phẩy, xã Sơn Phú (Định Hóa) để tìm hiểu về những kết quả thực hiện Dự án PCM2. Gặp gỡ và trò chuyện với những người dân nơi đây, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi cách trình bày tự tin, tâm huyết và đầy thuyết phục của những người nông dân vốn chỉ quen với tay cày, tay cuốc. Từ việc trình bày bước lập hồ sơ, xây dựng đề xuất, đến trình bày bản vẽ, lên phương án kinh phí… đều được họ trình bày mạch lạc, rõ ràng.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Lương Thị Tươi, Trưởng Nhóm nòng cốt tự hào: Trước kia tôi không bao giờ đủ can đảm đứng nói chuyện trước nhiều người. Nhưng từ khi tham gia Dự án PCM2, được sự hỗ trợ về kiến thức qua các khóa tập huấn về kỹ năng, phương pháp quản lý điều hành, tôi đã tự tin hơn rất nhiều. Còn ông Đặng Văn Thuận, thành viên Nhóm cộng đồng cho biết: Là những người được nhân dân trong xóm tín nhiệm bầu ra, chúng tôi đã nỗ lực học hỏi, đưa những kiến thức ấy áp dụng vào thực tế thông qua việc trực tiếp triển khai các công trình dân sinh thiết thực tại địa bàn chúng tôi sinh sống và bước đầu đã rất thành công.
Nói rồi, những người nông dân tự hào dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xóm, đến những đoạn đường bê tông uốn lượn quanh những ruộng lúa đồi chè, xem khuôn viên nhà văn hóa mới được sửa chữa, khảo sát con mương nội đồng mà bà con chuẩn bị xây dựng… Đến đâu, họ cũng có thể kể “vanh vách” về quá trình lên kế hoạch, đóng góp, xây dựng và hoàn thiện các công trình của bà con trong xóm.
Không chỉ ở Làng Phẩy, ở nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cũng gặp được những người nông dân hết sức phấn khởi khi nói đến câu chuyện về những công trình được bà con tự tay hoàn thành. Ông Trần Văn Đôn, xóm 7, xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên) vui vẻ khoe: Kinh tế của xóm chúng tôi chủ yếu dựa vào trồng lúa, chè và cây lâm nghiệp. Tuy nhiên, theo thời gian, lượng thuốc trừ sâu bà con sử dụng trong sản xuất ngấm vào đất và làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân. Sau khi họp bàn, người dân trong xóm đã nhất trí cao với phương án xây dựng bể nước tự chảy phục vụ sinh hoạt. Nguồn kinh phí Dự án hỗ trợ chỉ 50 triệu đồng nhưng bằng sự huy động đóng góp của chính người dân, chính quyền xã và các nhà tài trợ, chúng tôi đã hoàn thành công trình. Nhờ vậy, bà con trong xóm đều có nước sạch để dùng, không còn phải đi xa xin hay mua nước.
Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của Dự án PCM2, bà Đỗ Thị Tuyết Ngân, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Điểm đặc biệt nhất khi tham gia Dự án là người dân được tự lựa chọn những vấn đề bức thiết nhất, quan trọng nhất tại địa bàn dân cư của mình để tiến hành đầu tư. Người dân trở thành nòng cốt trong việc bàn bạc phương án, cách thức triển khai, làm việc với chính quyền xã, tổ chức họp dân và cùng đi đến thống nhất ý kiến chứ không còn bị động chờ chính sách của Nhà nước. Các khoản thu, chi đều công khai minh bạch, chất lượng các công trình thi công đều được giám sát chặt chẽ nên đã mang lại hiệu quả cao, tạo được niềm tin trong nhân dân. Vì vậy, người dân đã chủ động hơn trong mọi việc, hăng hái tham gia xây dựng, bảo vệ và duy tu các công trình, góp phần nâng cao chất lượng và tuổi thọ của chúng.
Được biết, Dự án PCM2 được triển khai tại Thái Nguyên từ tháng 3-2013 trên địa bàn 5 huyện: Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, Phú Bình, Đồng Hỷ và T.X Phổ Yên. Tính đến thời điểm này đã có 955 tiểu dự án do các nhóm cộng đồng tự quản hoàn thành, mang lại lợi ích thiết thực cho gần 200.000 lượt người. Trong tất cả các tiểu dự án, người dân đều là những người trực tiếp bàn bạc và tổ chức thực hiện. Từng bước một, từ quyết định công trình, thiết kế, từ khâu lập kế hoạch đến khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đều được chính bàn tay những người nông dân thực hiện. Sản phẩm của họ là những con đường bê tông kiên cố, nhà văn hóa, hệ thống cung cấp nước sạch, kênh mương thủy lợi…
Bà Bùi Thị Kim, Giám đốc DWC kiêm Giám đốc Dự án PCM 2 đánh giá: Thành quả mà Dự án đạt được không chỉ là các công trình mà còn là việc tạo dựng được đội ngũ nòng cốt trong nhân dân. Thông qua Dự án, chính người dân đã được làm chủ, có cơ hội khẳng định năng lực, dùng chính sức mạnh tập thể để nâng cao chất lượng cuộc sống cho mình. Từ đó, sau khi Dự án rút khỏi tỉnh Thái Nguyên, bà con vẫn có thể tiếp tục thực hiện các tiểu dự án trong mọi mặt của đời sống xã hội. Đó chính là mục tiêu cao nhất cũng như hy vọng của chúng tôi.