Bất kỳ ai đến Tân Cương lần đầu cùng phải thừa nhận đây là vùng nông thôn trù phú, yên bình và được đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng khá bài bản. Đó là những thành quả mà cấp uỷ xã Tân Cương đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và người dân dày công vun đắp, xây dựng trong nhiều nhiệm. Ấy vậy mà vùng đất này giờ lại có sự rạn nứt, chia rẽ, trở thành điểm nóng về an ninh nông thôn.
Những hình ảnh... không đẹp
Chúng tôi xin nêu ra đây vài vụ việc, như: Từ tháng 8 đến tháng 10-2015, hằng trăm người dân xã Tân Cương tập trung làm chốt chặn trên tuyến đường trục của xã để ngăn xe ô tô vận chuyển rác thải của Hợp tác xã Dịch vụ và Thương mại Phúc Lợi vào khu bãi rác Đá Mài để xử lý, tái chế. Những nội dung mà người dân kiến nghị về ô nhiễm môi trường đang trong thời gian cơ quan chức năng có thẩm quyền và doanh nghiệp xem xét giải quyết thì vài chục người quá khích đã hô hoán, kéo vào đập phá nhà xưởng của doanh nghiệp, xô xát làm cán bộ của đơn vị này bị thương. Một số người dân ở xã Tân Cương còn mang rác thải chất kín sân trụ sở cơ quan Đảng uỷ, HĐND, UBND xã để gây sức ép trong nhiều ngày.
Trong dịp trước kỳ Đại hội Đảng bộ xã Tân Cương những nhiệm kỳ trước đây, địa phương này xuất hiện truyền đơn có nội dung nhằm hạ uy tín của một số cán bộ xã đương chức được chọn là ửng cử viên đưa ra bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã. Vấn đề mất an ninh trật tự ở xã Tân Cương lên đến cao độ khi vào ngày 2-7-2016, bà Đặng Thị Hạ, một công dân ở xóm Nam Đồng cầm đầu nhóm người lên đến trên 30 thành viên (thuộc 11 gia đình trong xã và một số đối tượng ngoài địa bàn xã) hô hoán, kéo đến khu vực xóm Soi Vàng của xã đòi lại đất của gia đình ông Đỗ Thành (đã được UBND T.P Thái Nguyên cấp Giấy chứng nhận quyền dụng đất và gia đình ông Thành quản lý ổn định 18 năm nay). Điều đáng lên án là vụ việc này đã được cán bộ chuyên môn của xã Tân Cương nhiều lần tuyên truyền, giải thích việc đòi lại đất ông cha là không đúng pháp luật, không có sở để giải quyết nhưng công dân này không nghe. Trước khi nhóm người nêu trên phá cổng trang trại, chặt phá cây trồng, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể xã Tân Cương đã kịp thời có mặt ở hiện trường để khuyên giải, can ngăn nhưng một số đối tượng quá khích không nghe mà còn có lời lăng mạ, xúc phạm.
Niềm tin bị ảnh hưởng
Sự phức tạp về an ninh trật tự ở xã Tân Cương có nguồn cơn từ đâu? Đây là câu hỏi được chúng tôi đưa ra trong buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của xã. Rất nhiều lý do được nhưng tựu chung lại là có hai nhóm vấn đề: Thứ nhất, lỗi do một số cán bộ cấp xã, cấp xóm ở Tân Cương những năm trước trong quá trình điều hành công việc và sinh hoạt ở cơ sở đã mâu thuẫn với người dân ở địa phương. Thứ hai, những vụ việc xảy ra ở địa phương không được giải quyết kịp thời và triệt để nên có công dân khiếu kiện, lôi kéo thêm một số người thiếu hiểu biết tham gia nhằm gây sức ép cho cấp uỷ, chính quyền. Trong công tác lãnh đạo, điều hành của cán bộ chủ chốt xã giai đoạn trước thiếu dân chủ, phản biện và có sự chuyên quyền…
Đồng chí Nguyễn Tiến Sĩ, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Tân Cương cho biết: Khi kiểm điểm công tác giải quyết các vấn đề tại địa phương, tập thể lãnh đạo xã đã xem xét rất kỹ về bản chất từng vụ việc, con người cụ thể. Nếu nói nguyên nhân mất an ninh trật tự ở xã Tân Cương hiện nay đều là do cán bộ địa phương trước đây gây ra thì không đúng bản chất. Nhưng cũng phải thừa nhận trong quá trình lãnh đạo, điều hành của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt những nhiệm kỳ trước còn có nhiều việc làm chưa đúng nên ảnh hưởng đến niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cùng với đó là một số đồng chí cán bộ xã làm chuyên môn trong quá trình giải quyết công việc đã có những việc làm, lời nói gây bức xúc với công dân. Tiếp đó là trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính do yếu tố khách quan, chủ quan, cán bộ chuyên môn của xã đã làm chậm hoặc giải quyết không đến nơi, đến chốn nên công dân cho rằng bị gây khó khăn. Từ đó, những công dân thiếu thiện cảm với cán bộ xã, thường xuyên gửi đơn thư phán ánh tới các cấp, các ngành về tất cả những vụ việc lớn, nhỏ xảy ra tại địa phương.
Thêm một vấn đề nữa mà qua quá trình tìm hiểu tại cơ sở, trao đổi với cán bộ, đảng viên và người dân sở tại, chúng tôi nhận thấy việc một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt xã Tân Cương những nhiệm kỳ trước, và một cán bộ cấp xóm đã vi phạm trong công tác quản lý điều hành, phải xử lý kỷ luật về Đảng, chịu trách nhiệm hình sự đã gây mất niềm tin với người dân. Việc giải quyết một số vấn đề nổi cộm ở xã Tân Cương, như: ô nhiễm môi trường; đầu tư xây dựng giao nông thôn; tranh chấp đất đai…chưa được cấp uỷ, chính quyền xã Tân Cương và T.P Thái Nguyên thực hiện bài bản, quyết liệt, kịp thời. Đơn cử như vụ việc hàng trăm người dân lập chốt chặt trên đường để ngăn phương tiện vận chuyển rác thải, kéo vào đập phá công trình, hành hung cán bộ của Hợp tác xã Dịch vụ và Thương mại Phúc Lợi. Rồi việc chở rác thải tập kết từ cổng vào đến hết sân trụ sở cơ quan xã đề ngăn cản mọi hoạt động của xã nhiều ngày…Đây là hành vi côn đồ, coi thường pháp luật nhưng cuối cùng chỉ có 2 công dân ở xã Tân Cương bị xử phạt vi phạm hành chính!?
Đảng viên cao tuổi Dương Văn Lương ở xóm Nam Tiến cho rằng: Những sai phạm của ban lãnh đạo xã Tân Cương trước đây khiến người dân mất lòng tin. Cán bộ tham ô, điều hành hách dịch, chuyên quyền trong thời gian dài, không tiếp thu những ý kiến góp ý có tính xây dựng của đảng viên, nhân dân nên mới dẫn đến sai lầm, làm trái quy định của Nhà nước. Khi tư cách của một số cán bộ không đủ để làm gương cho nhân dân nữa thì đối tượng xấu sẽ có cơ hội xuyên tạc, lợi dụng vào những nhược điểm đó để lôi kéo, kích động người tham gia vào những vụ việc vi phạm pháp luật như vừa qua.
Ảnh ai cũng xấu khi soi… gương mờ!
Cộng đồng dân cư xã Tân Cương được hình thành vào khoảng năm 100 năm trở lại đây nên không có các dòng họ lớn định cư từ nhiều đời mà người dân ở khắp nơi đến lập nghiệp, an cư. Do vậy, lẽ ra công tác chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ và quản lý Nhà nước của chính quyền ở xã Tân Cương phải thuận lợi hơn các vùng nông thôn khác trong tỉnh vì ít sự cục bộ mang tính dòng họ, địa phương. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tân, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tân Cương (nguyên là cán bộ Trạm Khuyến nông (T.P Thái Nguyên) được Thành uỷ Thái Nguyên chọn lựa để luân chuyển về làm lãnh đạo UBND xã Tân Cương từ năm 2014) cho biết: Cơ bản người dân xã Tân Cương rất tốt, chăm chỉ, năng động, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, qua giải quyết công việc, tôi thấy có một số công dân luôn nghĩ cán bộ xã đương nhiệm cũng có lỗi, giống những cán bộ vi phạm trước đó nên thái độ làm việc rất gay gắt, bất hợp tác. Có công dân coi thường cán bộ xã nên sẵn sàng quát nạt, chỉ tay vào mặt khi trao đổi công việc…
Ngoài ra, tại địa phương này giờ có ý kiến rất khác nhau về việc công dân Phạm Văn Tuấn ở xóm Nam Hưng đấu tranh rất mạnh và đã có công trong việc phanh phui một số vụ việc tiêu cực tại địa phương. Một số người cho rằng việc làm của ông Tuấn đáng được biểu dương khen thưởng, khuyến khích. Lãnh đạo xã Tân Cương lại đưa ra ý kiến: Những nội dung công dân này tố cáo đúng nên khen thưởng còn nội dung tố cáo sai vụ việc, tố cáo sai đối tượng gây mất uy tín cán bộ, gây hoang mang trong nhân dân thì cũng cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng chí Phạm Ngọc Hùng, Bí thư Chi bộ Nam Thái bày tỏ quan điểm: Tôi rất đồng tình, ủng hộ việc tố cáo đúng của công dân Phạm Văn Tuấn đối với một số vấn đề ở địa phương. Nhưng là một đảng viên, tôi không đồng ý với những việc ông Tuấn chưa nắm rõ nội dung, chưa có cơ sở đúng đắn đã khiếu kiện gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ địa phương, gây mất đoàn kết nội bộ, làm xấu hình ảnh xã Tân Cương và vấn đề này cấn có biện pháp xử lý rõ ràng. Riêng nội dung đấu tranh của người dân, tôi cho rằng cần phân biết rõ đâu là xây dựng để cấp uỷ, chính quyền tốt lên, đâu là phá rối. Khi phân biệt rõ rồi thì mới chỉ ra được người tốt, người xấu để có hướng giải quyết, xử lý…
Lời kết
Từ những vụ việc phức tạp thời gian qua mà 281 cán bộ, đảng viên đang sinh hoạt tại 20 chị bộ của Đảng bộ xã Tân Cương rất “giữ mình” từ lời nói khi tiếp xúc với nhân dân hay giải quyết các thủ tục hành chính ở cấp xã. Cùng với đó là tinh thần đấu tranh chống tiêu cực, tinh thần xây dựng của người dân trong xã được lãnh đạo xã đương nhiệm trân trọng, phân loại để tiếp thu những điều người dân phản ánh đúng. Nhưng để địa phương ổn định, phát triển, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền xã Tân Cương nên “soi” lại những việc làm trước đây của đội ngũ cán bộ tiền nhiệm để “sửa” mình và nên phân công cấp uỷ của 20 chi bộ trực thuộc Đảng bộ nắm chắc địa bàn xóm, cơ quan trên địa bàn, 281 đảng viên chia nhau nắm chắc 1.400 hộ dân. Cùng với đó, tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tân Cương nhiệm kỳ 2015-2020 nên có các giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 30/CT-TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Chỉ thị số 35/CT-TW của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiểu nại tố cáo và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"… Chỉ có như vậy, Đảng bộ xã Tân Cương mới đủ mạnh để làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, đưa địa phương ra khỏi những khó khăn hiện nay.