Thức ăn đường phố khó bảo đảm an toàn

07:47, 11/10/2016

Thông tư số 30 ngày 5-12-2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố có hiệu lực từ ngày 20-1-2013, nhưng đến nay đã 3 năm triển khai, tình hình thức ăn đường phố đối với thức ăn đường phố ở tỉnh ta vẫn chưa có nhiều khả quan…

Khảo sát tại một số đường phố tập trung đông hàng quán kinh doanh thức ăn đường phố như: Chợ sinh viên, đường Lê Quý Đôn (gần khu vực Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên); đường Z115, xã Quyết Thắng (đoạn phía trước cổng Trường Đại học Công nghệ Thông tin) và trên đường Bến Oánh (đoạn đối diện chợ Thái)..., chúng tôi thấy vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm. Nhiều thức ăn bày bán không được che đậy cẩn thận, nếu có cũng chỉ là miếng vải mỏng phủ lên trên; quán ăn lại nằm trong lòng đường khiến thức ăn dễ dàng bị bám bụi. Yêu cầu đối với người bán hàng là phải sử dụng găng tay, đội mũ và đeo tạp dề khi buôn bán thì đa số các cơ sở kinh doanh TĂĐP lại chưa thực hiện.

 

Thấy chúng tôi thắc mắc về điều này, chủ cửa hàng bán lạp sườn tại chợ sinh viên, đường Lê Quý Đôn giải thích: Cơ sở của chúng tôi buôn bán nhỏ lẻ, xung quanh tập trung nhiều hàng quán, chỗ bán hàng chật chội nên không đựng thức ăn trong tủ kính mà bày bán sẵn trên khay để khách dễ lựa chọn.

 

Theo quy định tại Thông tư số 30 của Bộ Y tế, người bán hàng TĂĐP phải được khám sức khỏe định kỳ và ký cam kết với chính quyền địa phương về điều kiện đảm bảo ATVSTP. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi về các yêu cầu, quy định này, đa phần chủ các cơ sở chỉ im lặng, phớt lờ hoặc biện hộ với nhiều lý do mang tính chủ quan, xem nhẹ. Chủ một hàng bán xúc xích nướng trên đường Z115, xã Quyết Thắng nói: Tôi bán hàng đã hơn 8 năm nay, dù chưa lần nào khám sức khỏe hay tập huấn về kiến thức ATVSTP thế nhưng chưa có khách hàng nào phản ánh về việc thức ăn kém chất lượng hoặc biểu hiện gì về ngộ độc khi mua thì lo gì. Nhiều chủ quán còn tỏ ra ngạc nhiên và suy nghĩ rằng việc ký cam kết với chính quyền địa phương về điều kiện đảm bảo ATVSTP chỉ áp dụng với các cơ sở có đăng ký giấy phép kinh doanh và phục vụ suất ăn có quy mô lớn còn các cơ sở nhỏ lẻ thì... không cần.

 

Trao đổi với chúng tôi ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1.300 - 1.500 cơ sở kinh doanh TĂĐP nhưng cơ quan chức năng mới chỉ quản lý được khoảng 500 cơ sở có địa điểm bán hàng cố định. Các cơ sở này thường xuyên được hướng dẫn, tập huấn về đảm bảo VSATTP. Mặc dù được quản lý nhưng qua nhiều đợt kiểm tra vẫn có tới 40% các cơ sở vi phạm các điều kiện về ATVSTP. Còn các hàng quán di động việc quản lý đến nay vẫn còn bị “bỏ ngỏ”.

 

Giải thích về bất cập trong việc quản lý các cơ sở kinh doanh TĂĐP, ông Cảnh cho rằng: Phần lớn các cơ sở kinh doanh TĂĐP mang tính lưu động và do cấp phường, xã trực tiếp quản lý. Thế nhưng, do thiếu lực lượng chuyên trách về ATVSTP nên các địa phương thường cử một cán bộ y tế kiêm nhiệm. Do đó không thể quản lý hết số người bán hàng rong là người địa phương hoặc địa phương khác tới bán. Tương tự đối với cấp huyện cũng chưa có lực lượng chuyên trách về vấn đề này, còn lực lượng thanh tra của Chi cục ATVSTP lại quá mỏng nên việc hỗ trợ còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, quy định và chế tài xử phạt cũng là một vướng mắc lớn trong quản lý các cơ sở kinh doanh TĂĐP. Điển hình như thực phẩm tại cơ sở kinh doanh TĂĐP tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh, thế nhưng quy định lại không bắt buộc lưu mẫu trong ngày. Vì thế, khi cán bộ tới kiểm tra sẽ khó biết chính xác nguồn gốc mẫu nào bị ôi thiu, đảm bảo VSATTP. Điều này đồng nghĩa với việc khó kiểm tra, xử lý tận gốc các cơ sở chế sản xuất thực phẩm bẩn. Bên cạnh đó, dù gây ra ngộ độc nặng, nhưng cơ sở vi phạm chỉ bị tạm thời đình chỉ cho đến khi khắc phục và kiểm tra lại, nếu thấy đảm bảo được các tiêu chuẩn quy định về ATVSTP, thì cho tiếp tục hoạt động. Mức xử phạt cũng chỉ từ 3-5 triệu đồng nên không có tính răn đe đối với các cơ sở vi phạm.

 

Để khắc phục tình trạng này có lẽ các phường, xã cần phải phối hợp với các đơn vị tuyến trên để tiến hành kiểm tra, xử phạt và quản lý chặt chẽ hơn cơ sở kinh doanh TĂĐP; mạnh tay xử lý các cơ sở vi phạm để tránh tình trạng tái phạm. Đồng thời, yêu cầu 100% chủ các cơ sở kinh doanh phải tập huấn và khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, Chi cục VSATTP cũng cần tập trung tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của người kinh doanh, sản xuất TĂĐP. Khuyến cáo đối với người tiêu dùng phải tự trang bị thêm những kiến thức ATVSTP, thông báo cho cơ quan quản lý khi phát hiện các quán ăn không tuân thủ và đảm bảo các điều kiện ATVSTP…