Về cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập

18:04, 15/10/2016

Thời gian qua, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Sau gần 10 năm thực hiện, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả đạt được cũng như những bất cập phát sinh, ngày 14-02-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP theo hướng quy định những vấn đề chung làm căn cứ cho các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng nghị định riêng cho từng lĩnh vực cụ thể.

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập được đánh giá là bước đột phá trên lộ trình đổi mới toàn diện, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị. Cơ chế, chính sách này nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành khi “cởi trói” cho các đơn vị sự nghiệp công phát triển, giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước.

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP đã thể hiện rõ mục tiêu đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Theo đó, đơn vị tự chủ càng cao về tài chính thì càng có nhiều quyền tự quyết trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự. Bên cạnh đó, kết quả đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đều nhằm hướng tới việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công tốt hơn cho mọi tầng lớp nhân dân, đảm bảo cho các đối tượng chính sách và người nghèo được tiếp cận, hưởng thụ dịch vụ công với chất lượng cao hơn, công bằng hơn.

 

Để tạo điều kiện khuyến khích các đơn vị tự chủ toàn diện về chi thường xuyên và chi đầu tư, Nghị định cho phép các đơn vị chủ động xây dựng danh mục các dự án đầu tư, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở danh mục dự án đầu tư đã được phê duyệt, đơn vị quyết định dự án đầu tư, bao gồm các nội dung về quy mô, phương án xây dựng, tổng mức vốn, nguồn vốn, phân kỳ thời gian triển khai theo quy định của pháp luật về đầu tư.

 

Theo Nghị định, lộ trình “tính đúng tính đủ” giá dịch vụ công đang và sẽ được triển khai theo ba bước, với ba mức: Đến năm 2016 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; đến năm 2020 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Căn cứ vào tình hình thực tế, nếu đơn vị nào có đủ điều kiện, năng lực thì được thực hiện ngay mức giá dịch vụ có tính đúng, tính đủ các chi phí, bảo đảm có lợi nhuận chứ không phải chờ theo đúng lộ trình.

 

Nghị định cũng quy định, đơn vị sự nghiệp công lập được huy động vốn, vay vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật và phải có phương án tài chính khả thi để hoàn trả vốn vay, chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc huy động vốn, vay vốn. Chúng ta có thể thấy rõ bước đột phá lớn nhất, tạo động lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập phát triển, cạnh tranh một cách toàn diện, đó là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, khi đáp ứng đủ các điều kiện. Khi đó, các đơn vị sự nghiệp được xác định vốn điều lệ và bảo toàn vốn; được huy động vốn, đầu tư vốn ra ngoài đơn vị; quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định theo doanh nghiệp; quản lý doanh thu, chi phí và phân phối lợi nhuận; thực hiện chế độ kế toán, thống kê như doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, tăng tự chủ của đơn vị sự nghiệp công, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa - thể thao và du lịch, thông tin - truyền thông và báo chí, khoa học và công nghệ, sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đang và sẽ bộc lộ rõ nét những tác động hai chiều. Một mặt, tăng tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công là yêu cầu tự thân và góp phần hoàn thiện thể chế, phát triển cơ chế thị trường đồng bộ hơn; cải thiện cơ cấu chi thường xuyên, giảm bớt áp lực bội chi ngân sách nhà nước và đổi mới cơ chế chi cũng như cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập; khuyến khích bình đẳng và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ công với chất lượng cao hơn, công bằng hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và sự phát triển của xã hội. Mặt khác, tăng tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập có thể ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm và thu nhập của người lao động; dễ kích thích các hoạt động và cả sự lạm dụng chuyên môn để tăng thu. Điều đó đồng nghĩa với tăng giá, phí các dịch vụ công, gây thêm khó khăn cho việc giảm nghèo đa chiều bền vững. Việc đòi hỏi cứng nhắc yêu cầu tự chủ tài chính, nhất là trong y tế và giáo dục, rất có thể sẽ phá vỡ hệ thống dịch vụ công ở cấp cơ sở, gây khó khăn cho dân nghèo và gia tăng bức xúc về công bằng xã hội; một số dịch vụ có tính độc quyền cao dễ bị đẩy giá, gây khó khăn cho người dân hay doanh nghiệp khi tiếp cận.

 

Bởi vậy, rất cần tăng cường quy chuẩn chất lượng dịch vụ công, minh bạch thông tin, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và xử lý, chế tài nghiêm khắc các vi phạm và tranh chấp trong cung cấp và quản lý dịch vụ công, kể cả tập thể và cá nhân có liên quan. Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ đối tượng chính sách trong tiếp cận và thụ hưởng một số dịch vụ công thiết yếu, bảo đảm an sinh để tạo đồng thuận cao trong xã hội. Bên cạnh đó, cần phân định rõ thẩm quyền và nâng cao trách nhiệm, sự phối hợp trong quản lý nhà nước giữa các cơ quan quản lý dịch vụ công, tránh chồng lấn hoặc tạo “khoảng trống pháp lý” làm phát sinh sự lạm dụng, đổ gánh nặng chi phí lên đầu người dân và doanh nghiệp.

 

Hiện tại, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP vẫn chưa được triển khai thực tế tại các bộ, ngành Trung ương cũng như địa phương. Do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên công tác triển khai, thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Thực tiễn đang đòi hỏi quá trình tăng tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công cần được đẩy nhanh, thực hiện thống nhất theo lộ trình và cơ chế cụ thể; được luật hóa, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên; đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện cơ chế hạch toán thị trường với yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu con người và lợi ích cộng đồng.