Na Sàng không còn xa lắc

09:00, 28/12/2016

Ba năm trước, chúng tôi phải men theo con đường cheo leo trên đỉnh núi, nhầy nhụa bùn đất trong tiết trời lất phất mưa và giá rét để đến với bản người Mông Na Sàng ở xã Phú Đô (Phú Lương). Hồi ấy, ai cũng thấy bản người Mông này xa xôi quá. Còn hôm nay, cho xe chạy bon bon trên con đường bê tông mới mở ở dưới chân núi vào bản, một thoáng thôi, Na Sàng đã hiện ra đầy thơ mộng với rừng keo xanh mướt, nương chè biếc xanh…

Na Sàng đã không còn xa lắc và cách biệt với thế giới bên ngoài như những năm về trước nữa. Trưởng bản Hoàng Văn Nhính bảo: Đây là con đường được mở mới hoàn toàn. Khi 2km đường vào bản được mở mới và bê tông, bà con ai cũng phấn khởi. Rất nhiều hộ đã hiến đất để mở con đường này. Có con đường mới, nhiều nhà đã mạnh dạn mua xe máy để phục vụ cho việc đi lại, mua bán hàng hóa. Bây giờ ở Na Sàng không còn cảnh đi chợ một ngày, mua thức ăn cho 5-6 ngày nữa rồi. Chỉ mất 15 đến 20 phút đi xe máy là có thể ra đến chợ rồi…

 

Ngoài con đường, thì từ ngày có điện (năm 2008), bản Na Sàng cũng có những biến chuyển đáng kể khi các loại máy móc phục vụ sản xuất như máy tuốt lúa; máy sao, vò chè… đã được bà con mạnh dạn đầu tư, giúp giảm công lao động, nâng hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập của người dân.

 

Cùng anh Nhính dạo một vòng quanh bản, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt ở miền sơn cước này với những nương chè cành ngay hàng, thẳng lối; những rừng keo lai đang được khai thác và xa xa, những nương ngô, bắp nào bắp nấy tròn căng. Bà Dương Thị Sá, một người dân trong bản cho biết: Chỉ còn vài tuần nữa là chúng mình lại bắt đầu vào vụ cấy lúa xuân. Nhà mình đã chuẩn bị đủ giống lúa rồi, tuần sau sẽ bắt đầu gieo mạ. 3 năm nay, ở Na Sàng, nhà nào cũng cấy giống lúa lai, trồng cây ngô lai, nhanh cho hạt lúa, cái bắp mà năng suất lại cao hơn.

 

Cuộc sống mới đang hiện hữu ở bản người Mông Na Sàng khi các tập quán canh tác lạc hậu như trồng giống lúa, ngô địa phương năng suất thấp đã được loại bỏ. Thay vào đó, bà con trồng các giống lúa lai Nhị ưu 838, TH 3-3, ngô lai NK4300… Hiện nay, mỗi hộ dân trong bản có khoảng 5 sào ruộng cấy lúa, 1 mẫu đất trồng ngô. Với năng suất lúa đạt từ 1,8 đến 2 tạ/sào; năng suất ngô đạt khoảng 1,5 tạ/sào, người dân Na Sàng không còn phải chịu cảnh bữa đói, bữa no như 5 năm về trước nữa. Để nâng cao thu nhập, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng, trong đó chủ yếu là trồng keo lai.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 100% hộ dân trong bản đều đầu tư trồng rừng. Hộ trồng ít khoảng 2 đến 3 ha, hộ trồng nhiều lên đến 10ha. Cây keo từ khi trồng đến khi thu hoạch phải mất gần chục năm nhưng cho thu nhập khá cao. Trước đây, khi nhà nước giao đất, giao rừng cho bà con, bà con chỉ nghĩ đến việc tỉa thưa, khai thác chứ không ai nghĩ đến việc trồng mới rừng. Rồi phong trào trồng rừng sản xuất được phát động tại địa phương. Vậy là có mấy hộ dân mạnh dạn đi trước, trong đó có gia đình anh Nhính. Bắt đầu trồng rừng từ năm 2004 và 2005, đến năm 2012, nhiều diện tích rừng keo lai của các hộ dân đi tiên phong đã bắt đầu cho khai thác, thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng/ha nên bà con đã tin tưởng làm theo. Anh Nhính cho biết: Gia đình mình trồng 7ha rừng, trong đó có 2ha đã đến tuổi khai thác. Tư thương đã vào tận nhà đặt mua diện tích rừng keo đến tuổi khai thác với giá 200 triệu đồng/ha. Trong bản cũng có mấy hộ dân có rừng keo được khai thác như gia đình mình. Khoản tiền thu được khá lớn như vậy giúp bà con có điều kiện đầu tư trồng mới diện tích rừng đã khai thác và sắm sửa các vật dụng cần thiết cho gia đình cũng như đầu tư cho chăn nuôi…

 

Cùng với cây keo, cây chè cũng đã bén rễ ở mảnh đất này. Đến nay, mỗi hộ trong bản có khoảng 2 đến 3 sào chè/hộ. Thu nhập từ cây chè tuy không cao nhưng cũng đủ để các gia đình có kinh phí trang trải những nhu cầu hàng ngày từ tiền ăn học của con cái đến giống cây trồng và vật tư phân bón… Anh Phạm Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết: Chúng tôi rất vui khi người Mông Na Sàng đã biết khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống. Đáng mừng hơn cả là bà con không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà đã chủ động lên kế hoạch đầu tư cho sản xuất theo từng mùa vụ và từng năm.

 

Không chỉ xóa hết những hộ đói ăn trong những ngày giáp hạt, bản Na Sàng còn bước dần đến cuộc sống hiện đại, văn minh hơn. Hiện, 17/22 hộ dân trong bản đã có xe máy phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Theo đó, 15 hộ dân có tivi, giúp bà con kịp thời nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, 5 hộ dân đã đầu tư mua 5 máy làm đất mi ni để làm dịch vụ phục vụ bà con trong bản…

 

Đời sống kinh tế ngày càng đi lên đồng nghĩa với việc đời sống văn hóa, tinh thần cũng như trình độ nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, 100% gia đình ở Na Sàng đều quan tâm đến việc học tập của con cái, cho trẻ ra lớp đúng độ tuổi. Trong bản không còn trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, không có nạn tảo hôn. Những dịp lễ, Tết, trẻ em nơi đây đã được quan tâm, chăm sóc, được tặng quà… Hôm nay, Na Sàng đã xứng đáng là điểm sáng để nhiều bản Mông trong tỉnh học tập.