Nghĩ từ khó khăn của một đơn vị

14:56, 13/12/2016

Là một trong hai đơn vị y tế tuyến huyện thực hiện 2 chức năng dự phòng và điều trị, nhưng, Trung tâm Y tế T.P Sông Công lại đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân địa phương. Đây chỉ là một trong số nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về vấn đề này.

Nơi giặt là, nhà ăn… thành phòng điều trị

 

Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm quan, bác sĩ Chuyên khoa I Phạm Đăng Lưu, Giám đốc Trung tâm Y tế T.P Sông Công giới thiệu: Trung tâm gồm 7 khối nhà được xây dựng rải rác từ năm 2004, trong đó có 3 khối nhà dành cho hoạt động khám bệnh và điều trị. Tuy nhiên, từ năm 2015, T.P Sông Công chính thức được thành lập, quy mô dân số của địa phương đã tăng lên đến 10,9 vạn người. Sự gia tăng dân số cộng với lượng di biến động dân cư lớn do lực lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đã tạo áp lực khá lớn cho công tác y tế, đặc biệt là về phòng làm việc cho cán bộ và phòng điều trị cho bệnh nhân. Dù tỉnh đã cử các đoàn khảo sát, đơn vị chuyên môn về làm việc nhưng kế hoạch xây dựng vẫn còn để ngỏ.

 

Để khắc phục tình trạng thiếu phòng, Trung tâm Y tế đã phải sử dụng nhà ăn để làm phòng điều trị chuyên khoa, sử dụng nơi giặt là thành phòng điều trị Đông y, tận dụng gầm cầu thang làm kho chứa đồ vải và phòng rửa phim X-quang… Hội trường do Trung tâm Y tế tự bỏ nguồn tiết kiệm chi để xây dựng cũng được ngăn thành các phòng làm việc phục vụ công tác siêu âm, điện tim. Thậm chí, nhà tang lễ của Trung tâm cũng được tận dụng để trở thành phòng khám, điều trị và cấp phát thuốc ARV. Kỹ thuật viên Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Trung tâm Y tế T.P Sông Công chia sẻ: Thực chất, gầm cầu thang đã được Trung tâm cải tạo, đáp ứng đủ điều kiện và không làm ảnh hưởng đến chất lượng phim. Tuy nhiên, vị trí và không gian làm việc chỉ rộng chừng 3m2 này đã cho thấy sự chưa chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ y tế với bệnh nhân.

 

Với quy mô xây dựng ban đầu là 50 giường bệnh, kế hoạch được giao là 95 giường, Trung tâm đã kê đến 147 giường. Ở các phòng điều trị nội trú, mọi không gian đều được tận dụng, các giường bệnh được kê sát nhau, sát lối đi, lấn đến tận cửa ra vào. Bà Trần Thị Tâm, một bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế phàn nàn: Các giường bệnh san sát nhau, người già, trẻ em, nam, nữ đều nằm chung một phòng, chưa kể đến mỗi người bệnh đều có 1-2 người phục vụ khiến không khí rất ngột ngạt.

 

Nghĩ về bài toán quy hoạch

 

Hiện nay, hầu hết các bệnh viện tuyến huyện và nhiều trạm y tế xã đang lâm vào cảnh thiếu phòng điều trị cho bệnh nhân, phòng làm việc cho cán bộ y tế. Nhiều cơ sở y tế phải tận dụng hết mức không gian để đáp ứng tối đa nhu cầu của bệnh nhân. T.P Sông Công là đơn vị cấp huyện có số dân ít nhất trong tỉnh nhưng trong 11 tháng năm 2016, có 54.324 lượt người đến khám bệnh (tăng 16.098 lượt so với cùng kỳ năm 2015), số lượt điều trị nội trú là 5.735 (tăng khoảng 31,5% so với năm 2015), công suất sử dụng giường bệnh đạt 119,1%, có thời điểm lên đến 200%. 

 

Không thể phủ nhận, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên cũng như ngành Y tế đã dành nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống y tế cả về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực. Tuy nhiên, trong bối cảnh công tác y tế đang chịu nhiều tác động của sự thay đổi dân số, sự phát triển khoa học - kỹ thuật, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân… việc xây dựng cơ sở hạ tầng y tế là vấn đề cấp thiết. Hàng năm, tỉnh đều phê duyệt các dự án đầu tư hạ tầng cho các cơ sở y tế, ưu tiên các công trình đã xuống cấp. Hầu hết các dự án xây dựng cũng được hoàn thành và đưa vào sử dụng mang lại sự thuận tiện cho người dân và cán bộ y tế. Tuy vậy, cứ sau khoảng trên 10 năm đưa vào sử dụng, các công trình này nhanh chóng trở nên lỗi thời, chật chội, không đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng. Dù không bị xuống cấp nhiều nhưng tình trạng hạ tầng của các cơ sở y tế có công năng không còn phù hợp sau một thời gian sử dụng rõ ràng có phần nào liên quan đến vấn đề quy hoạch xây dựng.

 

Trong khi dự đoán mức tăng dân số, nghiên cứu di biến động dân cư, kế hoạch phát triển ngành Y tế của tỉnh… đều được xây dựng dài hơi… thì tại sao tầm nhìn quy hoạch cơ sở hạ tầng cho các công trình y tế trị giá vài chục tỷ đồng chỉ là 10 năm? Khó khăn về cơ sở vật chất của Trung tâm Y tế T.P Sông Công có thể sẽ lặp lại ở nhiều công trình khác trong tương lai nếu không được tính toán dài hơi hơn. Tình trạng này rất cần các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để khắc phục và giải quyết.