Là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên những thành quả của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), thời gian qua, 3.493 cộng tác viên (CTV) dân số và chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã hoạt động hiệu quả, tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách về dân số.
Ông Nguyễn Đạt Thường, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đánh giá: Những năm qua, bước chân của đội ngũ CTV dân số đã in vào từng xóm phố, từng ngõ nhỏ trong khắp tỉnh. Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và “mưa dầm thấm lâu”, các CTV dân số đã hoạt động hiệu quả để đưa các chính sách DS-KHHGĐ đến với nhân dân. Họ có mặt ở tất cả tổ dân phố, xóm, bản giúp chính quyền các cấp có những số liệu tin cậy cập nhật về DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng, chống suy dinh dưỡng và phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đồng thời đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về lĩnh vực dân số tới người dân. Có thể nói, công tác DS-KHHGĐ không thể đạt được những kết quả như trong những năm qua nếu không có hoạt động truyền thông trực tiếp tới từng gia đình của CTV dân số và chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại cơ sở.
22 năm làm CTV dân số ở địa phương, bà Lương Thị Quang ở tổ dân phố Trước 1, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) đã góp phần nâng cao nhận thức của các gia đình về sinh đẻ kế hoạch. 16 năm liền (2000-2016), tổ dân phố không có người sinh con thứ ba trở lên. Tỷ lệ phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 80%; tỷ lệ phụ nữ được chăm sóc sức khỏe sinh sản đạt trên 90%. Bà Quang bộc bạch: Ban đầu, khi đến các hộ gia đình tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ tôi bị nhiều người phản đối, thậm chí là la mắng. Tuy nhiên, qua một thời gian dài kiên trì thuyết phục, vận động, mọi người đã hiểu hơn về công việc của tôi, công tác tuyên truyền cũng vì thế mà thuận lợi hơn. Theo bà Quang, mỗi CTV dân số phải đồng thời là người dân vận giỏi. Tuyên truyền về dân số không chỉ gói gọn theo kiến thức có sẵn trong sách vở, tài liệu mà còn phải sử dụng nhiều hình thức như tuyên truyền thông qua hình ảnh, lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương…
Còn đối với bà Lương Thị Chỉnh ở tổ 6, phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên), “bí quyết” để có thể làm tốt vai trò của một CTV trong suốt 16 năm qua là “bám dân”. Quyển sổ nhỏ bà Chỉnh luôn mang bên người có ghi chú cụ thể về số hộ, số nhân khẩu, số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản… Các số liệu về số trẻ sinh ra, giới tính của trẻ, những thông tin về lịch uống Vitamin A… cũng được bà Chỉnh cập nhật mỗi ngày. Bà bảo: Quan trọng nhất là khi tuyên truyền là người CTV phải nắm vững danh sách các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, rà soát từng đối tượng chưa thực hiện biện pháp tránh thai để vận động, tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, huy động chị em phụ nữ đến địa điểm khám phụ khoa và thực hiện biện pháp tránh thai.
Chị Lầu Thị Đơ, công tác viên Dân số khu vực Lân Thùng, xóm Đồng Dong, xã Phương Giao (Võ Nhai) mới có kinh nghiệm công tác gần 5 tháng. Sống ở vùng có nhiều đồng bào dân tộc Mông, chị Đơ hiểu được nỗi vất vả của bà con dân tộc mình khi sống trong cảnh “đông con – nghèo của”. Được giao phụ trách 91 hộ, trong đó có 90 hộ đồng bào dân tộc Mông, chị Đơ thường tranh thủ thời gian đi lấy củi, làm nương để tuyên truyền bằng tiếng Mông, cung cấp cho chị em phụ nữ những kiến thức về dân số, tư vấn cho họ lựa chọn và áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp, tham gia chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống dịch bệnh. Chị Đơ chia sẻ: Dù kết quả chưa đạt được nhiều vì hiểu biết của đồng bào vùng cao về chính sách dân số còn hạn chế nhưng mình tin chỉ cần kiên trì tuyên truyền, vận động thì bà con sẽ dần hiểu ra.
Với vai trò tích cực của đội ngũ CTV dân số, thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã được được nhiều kết quả tốt. Các chỉ số về mức sinh, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm đáng kể; các chỉ tiêu về tuổi thọ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đều tăng. Trong giai đoạn 2011-2015, tỷ suất sinh thô của tỉnh giảm được 0,5 phần nghìn; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở mức 4,55-6,0%/năm (ở mức thấp so với toàn quốc và các tỉnh trong khu vực). Kết quả thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đạt hàng năm đều đạt từ trên 90% kế hoạch được giảo; tỷ lệ các cặp vợ chống trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trung bình đạt trên 65%/năm…
Trong thời gian tới, để đội ngũ CTV dân số cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tích cực tạo điều kiện hơn nữa để xây dựng đội ngũ CTV cơ sở có năng lực, lòng nhiệt tình trong công tác. Cùng với đó, cần nghiên cứu, xem xét nâng chế độ phụ cấp hàng tháng, tăng cường các khóa bồi dưỡng cả về chuyên môn, nghiệp vụ lẫn đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân số. Từ đó, giúp cho các CTV dân số hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách về dân số. Qua đó góp phần ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.