Võ Nhai “thì tương lai”...

17:02, 31/12/2016

“Khi em yêu cầu học sinh lấy ví dụ chia động từ tiếng Anh thì tương lai, có học sinh lấy ngay từ “Võ Nhai”. Em bảo Võ Nhai là danh từ thì học sinh đó lễ phép: “Thưa cô! Em thấy Võ Nhai đổi thay, chuyển động liên tục, nên có thể gọi là động từ. Tương lai của Võ Nhai rất giàu đẹp ạ ...”. Cô giáo Phạm Thị Kiều Vân ở Trường Tiểu học Dân Tiến (Võ Nhai) đã kể như vậy khi tôi về thăm Trường.

Sau gần chục năm, chúng tôi mới có dịp quay lại Võ Nhai và không thể nhận ra  những địa danh đã gắn bó với chúng tôi tại đây  vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Con đường từ La Hiên đến xã Thượng Nung thuở trước gập ghềnh, đi bằng xe máy phải qua ba chiếc cầu tạm bằng tre gỗ mà người dân gọi là “Cầu 2 nghìn”, “Cầu 3 nghìn”, “Cầu 5 nghìn”, đó là số tiền lệ phí phải bỏ ra để trả cho người làm cầu tạm. Thì nay con đường được trải nhựa phẳng lỳ và ba chiếc cầu kiên cố bằng bê tông cốt thép đã thay thế cho cầu tạm. Hồi trước, đi từ trung tâm xã Thượng Lung, đến xóm Lũng Luông, do không có đường đi bằng xe máy, nên chúng tôi phải cuốc bộ mất gần 3 tiếng; nay ngồi trên xe ô tô chỉ 15 phút là đến nơi. Xóm Lũng Luông ngày xưa không có ngôi nhà nào được gọi là kiên cố, nay thì rất nhiều ngôi nhà đẹp trị giá hàng tỷ đồng. Trường Tiểu học Lũng Luông vừa mới khánh thành như một bông hoa rừng lung linh giữa núi non hùng vĩ. Lũng Luông còn có những cánh đồng hoa Tam giác mạch đẹp chẳng kém gì Hà Giang.

 

Các xã về phía Đông của huyện cũng có sự thay đổi nhanh chóng. Hệ thống “điện, đường, trường, trạm” (điện lưới quốc gia, đường giao thông, trường học, trạm xá) đã vươn tới hầu hết các xóm, bản trong huyện và được xây dựng kiên cố. Chúng tôi thực ngỡ ngàng khi thấy các cháu học sinh tiểu học người Mông ở Điểm trường xóm Lân Vai (Trường Tiểu học Dân Tiến) đã được học Tiếng Anh. Cô giáo trẻ Phạm Thị Kiều Vân là giáo viên dạy Tiếng Anh của trường cho biết: Các cháu phát âm tiếng Anh khá chuẩn. Bản thân cô vừa là giáo viên tiếng Anh của các cháu, vừa là học trò tiếng Mông của các cháu.

 

Trong tỉnh Thái Nguyên, Võ Nhai là huyện có nhiều cái nhất. Đó là huyện có diện tích lớn nhất của tỉnh. Võ Nhai rộng hơn cả tỉnh Bắc Ninh. Có xã trong huyện có diện tích lớn hơn diện tích một huyện ở đồng bằng Bắc Bộ. Võ Nhai cũng là huyện vùng cao duy nhất, nơi có mật độ dân số thấp nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của Thái Nguyên.

 

Từ lâu Võ Nhai đã được nhiều người Việt Nam và bạn bè quốc tế biết đến bởi nơi đây là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng, nơi hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Việt Bắc. Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm (xã Thần Sa) là nơi cư trú của người nguyên thủy và là nơi phát hiện các di vật đá đặc trưng của các nền văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình, Sơn Vi có niên đại hàng chục nghìn năm. Di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá) là nơi thành lập Trung đội Cứu quốc quân II (một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay). Xóm Vang (thuộc xã Liên Minh ngày nay) là nơi Bác Hồ sống và làm việc từ ngày 15-10-1947 đến ngày 17-11-1947 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hang Phượng Hoàng, một danh thắng kỳ vĩ ngự tại xã Phú Thượng được mệnh danh là hang đẹp nhất vùng Việt Bắc, cạnh đó là suối Mỏ Gà gắn liền với những huyền thoại về tình yêu chim Phượng...

 

Võ Nhai cũng là vùng đất giàu tiềm năng về kinh tế, ngoài tiềm năng về du lịch, Võ Nhai còn là huyện có nhiều thế mạnh về tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là trữ lượng đá vôi rất lớn.

 

Thế nhưng, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, vùng đất giàu tiềm năng Võ Nhai nhiều năm cuối thế kỷ XX vẫn là vùng khó khăn nhất tỉnh, tiềm năng vẫn như Nàng công chúa ngủ trong rừng chưa được đánh thức. Võ Nhai chỉ thực sự bứt phá trong mấy năm gần đây khi các tuyến đường giao thông được mở rộng, nâng cấp; các công trình về điện, trường học, bệnh xá, nhà văn hóa được sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh  đầu tư. Các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo của các thôn, xóm. Cây chè, cây ngô lai, cây ăn quả đặc sản... đã tạo ra cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp ở Võ Nhai. Tuy nhiên, việc thay đổi nhanh cơ sở hạ tầng trong khi tư duy quản lý của cán bộ và ý thức của một số người dân chưa thay đổi theo cũng đã tạo ra sự cản trở trong sự phát triển của địa phương. Chính sự lúng túng, buông lỏng trong quản lý đã dẫn đến rừng tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Khuôn Mánh (Tràng Xá) bị tàn phá vào đầu năm 2016. Thắng cảnh Hang Phượng Hoàng cũng đang bị ô nhiễm do thiếu sự đầu tư và quản lý của các cơ quan. Cây chè đã được xác định là cây làm giàu ở Võ Nhai, nhưng thương hiệu chè Võ Nhai thì gần như là chưa có... Rất may là các đồng chí lãnh đạo huyện và các xã đã nhận ra sự hạn chế, bất cập này. Dường như sự tích tụ bấy lâu nay cả về tiềm năng, thế mạnh và những hạn chế, yếu kém của Võ Nhai đang tạo động lực cho Võ Nhai cất cách vào năm mới Đinh Dậu 2017.

 

Đứng trên nhà bia tưởng niệm Trung đội Cứu Quốc Quân II tại rừng Khuôn Mánh vào một ngày cuối năm Bính Thân 2016, tôi như được nghe những tiếng nói từ xưa vọng về và bất chợt hình dung ra cánh rừng xung quanh vừa bị chặt phá sang năm mới và những năm sau sẽ ngút ngàn cây xanh. Một hồ nước nhân tạo lớn ở phía dưới nhà bia sẽ tạo điểm nhấn cho Khu di tích lịch sử Khuôn Mánh. Xa xa là các cánh đồng ngô, các nương chè xanh tươi và các nhà máy chế biến nông sản nhấp nhô xen những màu xanh mát mắt....”Võ Nhai “thì tương lai” sẽ không chỉ giàu đẹp mà còn kế tục được lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần kiên trung, sắt son với cách mạng” - Cô giáo trẻ Phạm Thị Kiều Vân đã nói với chúng tôi như vậy trước lúc chia tay./.